Câu chuyện hoang đường số 6: Chuyện hoang đường về Dick và Jane.
Luận cứ sai lầm này nói rằng: “Nếu chính phủ muốn tăng lượng tiền vay,
họ phải khuyến khích người ta cho vay. Điều này đồng nghĩa với việc trả
lãi suất cao hơn. Như vậy, tất cả những người khác phải tăng lãi suất để giữ
khả năng cạnh tranh”.
Khái niệm sai lầm ẩn sau luận cứ này là nếu Dick muốn Jane cho anh ta
vay 1 đô-la với mức lãi suất hiện hành là 10%, và trong trường hợp cô ấy
chần chừ, Dick phải gợi ý mức lãi suất cao hơn để Jane thay đổi ý định.
Không phải như vậy. Còn một cách khác để thay đổi ý định của Jane.
Dick có thể gợi ý cho Jane vay 1 đô-la với mức lãi suất 10%, và đổi lại cô
cho anh vay một khoản y hệt. Quả thật, Dick có thể thuyết phục Jane cho
anh vay bất cứ khoản tiền nào – chỉ cần anh này cho cô vay một khoản
tương đương, với cùng một mức lãi suất – chứ không phải tăng mức lãi
suất.
Ví dụ này không mỹ miều như thế. Bất cứ khi nào chính phủ muốn vay 1
đô-la, họ đồng thời cho vay 1 đô-la, hệt như những gì Dick làm. Suy cho
cùng, tại sao chính phủ vay tiền? Họ vay tiền để tránh tăng thuế cho bạn tại
thời điểm hiện tại –thực tế là, cho bạn vay lại lượng thuế mà họ thường thu.
Không giống như vay từ một cá nhân, nợ chính phủ luôn đi kèm với
lượng vay ngầm cho người đóng thuế. Chính phủ, cũng như Dick, vay từ
dân (hay Jane), trong khi đồng thời cho vay một khoản y hệt với mức lãi
suất y chang. Cũng như Dick và Jane, chính phủ và dân chúng có thể tiếp
tục tại bất cứ mức độ nào mà không ảnh hưởng tới tỷ lệ lãi suất.
NHỮNG CHUYỆN HOANG ĐƯỜNG VỀ GÁNH NẶNG NỢ NẦN
Tuyển tập những chuyện hoang đường cuối cùng liên quan tới những
người chịu gánh nặng của nợ chính phủ. Việc nợ chính phủ là một gánh
nặng theo bất cứ nghĩa nào còn chưa rõ ràng, vì thế có vẻ không cần thiết
phải nghiên cứu những điều này quá sâu sắc. Nhưng chỉ ra những sai lầm
trong những luận cứ này là bài tập hướng dẫn và minh họa một số điểm
quan trọng.