Câu chuyện hoang đường số 7: Thế hệ sau sẽ thừa kế nợ nần của chúng
ta. Thế hệ sau của chúng ta sẽ không những thừa kế nợ nần mà cả các tài
khoản tiết kiệm của chúng ta nữa, bao gồm những khoản tiền phụ trội mà
chúng ta tiết kiệm được nhờ việc trả tiền thuế thấp hơn trong hiện tại.
Trước khi ngày đó tới, cả nợ nần lẫn tiền tiết kiệm đều tăng lên nhờ vào sự
tích tụ lãi suất. Nếu chúng ta trả 1 đô-la tiền nợ ngày hôm nay, chúng ta
thực sự có thể giúp con cháu chúng ta không phải trả 2 đô-la tiền nợ ngày
mai, nhưng chỉ với chi phí triệt tiêu sự ưu đãi − bằng cách lấy ra đồng đô-la
đó từ tài khoản tiết kiệm − chúng ta giảm thừa kế của chúng đi 2 đô-la.
Câu chuyện hoang đường số 8: Chuyện hoang đường về sự chèn ép.
Người ta tranh luận rằng cho vay chính phủ sử dụng tiềm lực kinh tế mà lẽ
ra những tiềm lực đó sẽ được sử dụng tốt hơn bởi khu vực tư nhân. Điều
này tương tự với dạng chuyện hoang đường về Goliath, trừ chi tiết là câu
chuyện này liên quan tới những tiềm lực hữu hình chứ không phải là tiền.
Nó sai vì cho vay chính phủ không chi tiêu cái gì hết. Cái tiêu dùng tiềm
lực là chi tiêu chính phủ. Nếu chính phủ mua một triệu tấn thép, thì một
triệu tấn thép ít hơn con số đó sẽ là những gì khu vực tư nhân có thể mua.
Điều sẽ đúng cho dù thép được mua bởi thu nhập từ thuế hay quỹ cho vay.
Gánh nặng đối với khu vực tư nhân được tính toán chính xác bằng những gì
chính phủ tiêu dùng, không phải bằng cách họ có được những tiềm năng
này.
Câu chuyện hoang đường số 9: Thâm hụt làm tổn thương vị thế thương
mại của chúng ta. Nhiều tranh luận sai lầm đã được đưa ra để ủng hộ một
lý luận cho rằng thâm hụt là điều bất lợi cho ngành công nghiệp xuất khẩu
nội địa. Tất cả các tranh cãi này phát triển theo cách này hoặc cách khác từ
cặp luận điểm cho rằng thâm hụt ảnh hưởng tới tỷ lệ lãi suất và rằng đến
lượt nó ảnh hưởng tới giá trị của đồng đô-la. Như chúng ta đã tranh luận
nhiều lần, mối liên hệ giữa thâm hụt và tỷ lệ lãi suất là rất mỏng manh. Việc
tìm hiểu sự liên kết giữa tỷ lệ lãi suất và tỷ giá hối đoái sẽ khiến chúng ta đi
quá sâu. Chúng ta hạn chế bản thân trong quan sát rằng một chuỗi suy luận
cũng chỉ mạnh như mắt xích yếu nhất của nó.