Chương 12. Tỉnh táo và tức giận
Sự thông thái giả tạo của những trang Op-Ed
Dường như ai cũng đồng tình rằng Đại Suy thoái là điều tồi tệ. Tại sao
lại như vậy?
Có hai điểm bất lợi khi bạn phải sống trong thời kỳ suy thoái. Một là, nó
làm giảm lượng tiêu dùng trong cuộc đời bạn. Thứ hai, nó buộc bạn phải áp
dụng mẫu hình tiêu dùng thấp hơn, luân phiên giữa yến tiệc và đói kém
thay vì trải đều những thăng trầm trong suốt cuộc đời.
Bất lợi thứ hai khá quan trọng. Các bằng chứng cho thấy con người
muốn dàn trải đều tiêu dùng của mình trong điều kiện cho phép. Nếu lương
tháng của bạn là 4.000 đô-la, sẽ là hãn hữu khi bạn tiêu sạch số tiền đó
trong một ngày và rồi húp súp gà trừ bữa trong cả tháng còn lại. Nếu cam
chịu sống trong túp lều tranh 40 năm đầu đời, có lẽ bạn sẽ tích cóp đủ để
tận hưởng cuộc sống trong một biệt thự suốt 40 năm cuối đời, nhưng rất ít
người trong chúng ta làm được như thế.
Người ta dễ đương đầu với những bất hạnh với liều lượng nhỏ hơn là
một viên thuốc đắng khổng lồ. Nhận định này là điểm mấu chốt để giải
thích tại sao các cuộc Đại Suy thoái bị “thất sủng”, và tôi đã cho rằng đáng
lẽ đây là điều gây tranh cãi cho tới khi tôi đọc được bức thư gửi tới tờ New
York Times của Felix Rohatyn, người hoàn toàn không nghĩ như vậy.
Rohatyn là một chuyên gia tài chính xuất chúng, Chủ tịch Hội đồng Cứu
trợ Thành phố, và một thành viên trong nhóm cố vấn của Tổng thống Bill
Clinton. Thư của ông đáng được đăng toàn văn ở đây:
“Kính gửi Tổng Biên tập
Tôi thật sự sửng sốt và phẫn nộ trước [một bài xã luận trước đó của
Times] ủng hộ vay chính phủ như là một giải pháp hữu hiệu để bảo lãnh
các tổ chức chuyên nhận tiết kiệm cho vay đang lâm vào tình trạng phá sản.
Vay có thể là giải pháp có lợi về chính trị, tuy nhiên, lại là giải pháp sai lầm