thể kiếm được nhiều tiền, đó là công việc tốt nhất mà chúng nghĩ chúng có
thể đạt được. Nếu chúng sinh ra trong những hoàn cảnh khác, chúng cũng
có thể dám mơ ước trở thành những nhà kinh tế học hay nhà văn. Nhưng
khi xung quanh chúng là địa điểm mà những băng nhóm như J.T. hành
nghề thì con đường dẫn tới một công việc tử tế hợp pháp là điều không
tưởng. 56% số trẻ em khu vực này sống dưới mức nghèo khổ (so với tỷ lệ
trung bình của nước Mỹ là 18%). 78% sinh ra không có bố. Chưa đầy 5%
số người lớn trong khu vực này có bằng đại học; không đến 1/3 thanh niên
có việc làm. Thu nhập trung bình của khu vực chỉ là 15.000 đô-la một năm,
ít hơn một nửa so với mức thu nhập trung bình của dân Mỹ. Trong suốt
những năm Venkatesh sống với băng nhóm J.T., hội lính chạy hàng thường
nhờ anh tìm giúp “một công việc” mà bọn họ gọi là “một công việc ngon
lành”: làm lao công tại trường Đại học Chicago.
Vấn đề đối với nghề bán ma túy cũng giống như với những nghề hấp
dẫn khác: quá nhiều người cạnh tranh mà phần thưởng thì quá ít. Kiếm
được nhiều tiền trong băng nhóm bán ma túy không giống lắm với việc cô
thôn nữ Winconsin trở thành ngôi sao màn bạc hay tiền vệ bóng đá của
trường trung học được chơi trong giải đấu quốc gia. Nhưng tội phạm, cũng
như những người khác, cũng bị thúc đẩy bởi các động cơ. Vì vậy, nếu phần
thưởng đủ lớn, họ sẽ tìm cách rời khỏi nhà chỉ với hi vọng có một cơ hội.
Tại khu vực phía Nam Chicago, những người muốn bán ma túy còn nhiều
hơn cả cây trong rừng.
Những ông trùm ma túy đã đi theo quy luật lao động bất di bất dịch:
khi có nhiều người mong muốn và có thể làm một công việc thì công việc
đó thường sẽ không được trả lương cao. Đây là một trong bốn nhân tố quan
trọng khi xác định mức lương. Những nhân tố khác là kỹ năng chuyên môn
mà công việc đòi hỏi, điều kiện của công việc và nhu cầu đối với dịch vụ
mà công việc đó đáp ứng.
Sự cân bằng tinh tế giữa những nhân tố đó đã giúp giải thích tại sao
một gái mại dâm kiếm được nhiều tiền hơn một kiến trúc sư. Có lẽ ngay cả