đáng sợ). “Rủi ro mà bạn kiểm soát được ít hơn nhiều so với những rủi ro
mà bạn không kiểm soát được”, Sandman nói. “Trong trường hợp bò điên,
bạn có cảm giác như nó vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân. Bạn không
thể biết trong miếng thịt bạn mua có mầm bệnh hay không. Bạn không thấy
được, không ngửi được. Trong khi đó, rác bẩn trong nhà bếp lại hoàn toàn
nằm trong quyền kiểm soát của bạn. Bạn có thể rửa sạch miếng giẻ, bạn có
thể cọ sạch sàn.”
Nguyên lý “kiểm soát” của Sandman có thể giải thích tại sao phần lớn
người ta lại sợ bay trên máy bay hơn là lái xe hơi. Ý nghĩ của họ như sau:
Vì tôi lái chiếc xe, tôi chính là người nắm giữ sự an toàn của bản thân; vì
tôi không điều khiển được chiếc máy bay, tôi phụ thuộc vào vô số nhân tố
bên ngoài.
Thế thì cái gì chúng ta nên sợ hơn, lái xe hay là đi máy bay?
Sẽ tốt hơn nếu trước tiên chúng ta đặt một câu hỏi: chính xác là chúng
ta sợ cái gì? Sợ chết. Cứ cho là như thế. Nhưng nỗi sợ chết cần phải được
làm rõ hơn. Tất nhiên mọi người đều biết là tất cả họ rồi sẽ chết, và chúng
ta thường lo sợ về điều đó. Nhưng nếu ai đó bảo rằng khả năng tử vong
trong năm tới của bạn là 10%, chắc hẳn bạn sẽ lo lắng hơn, đến mức có thể
thay đổi cả lối sống. Và nếu ai đó bảo rằng khả năng tử vong vào phút tới
của bạn là 10%, chắc là bạn sẽ hoảng sợ. Như vậy, chính cái khả năng chết
ngay làm bạn sợ − nghĩa là cách hợp lý nhất để đo lường nỗi sợ chết là thời
gian.
Nếu bạn có một chuyến đi và được quyền lựa chọn lái xe hoặc đi máy
bay, có lẽ bạn phải cân nhắc tỷ lệ chết dựa trên thời gian lái xe so với thời
gian đi máy bay. Sự thật là ở nước Mỹ có nhiều người chết trong các tai
nạn giao thông đường bộ hơn (khoảng 40.000 người) so với tai nạn hàng
không (dưới 1.000 người). Nhưng đúng là người ta đi xe nhiều hơn đi máy
bay. (Số người chết trong các tai nạn thuyền bè mỗi năm còn nhiều hơn
trong các tai nạn máy bay; như chúng ta đã thấy trong ví dụ so sánh bể bơi