Để công bằng, CPS sử dụng một kiểu xổ số. Đối với các nhà nghiên
cứu, đây đúng là một ân huệ đáng kể. Các nhà khoa học về hành vi sẽ khó
có thể tạo ra được một thử nghiệm tốt hơn trong phòng thí nghiệm. Cũng
giống như các nhà khoa học chọn ra con chuột thí nghiệm một cách ngẫu
nhiên để bỏ vào nhóm bị khảo sát hay nhóm đối chứng, ban giám đốc hệ
thống trường học ở Chicago cũng làm như vậy. Hãy tưởng tượng, có hai
học sinh, về mặt thống kê thì hoàn toàn như nhau, ai cũng muốn vào một
trường vừa mới, vừa tốt. Vì kết quả bốc thăm, một người được vào trường
mới, còn người kia ở lại. Bây giờ hãy hình dung chúng ta nhân số học sinh
đó lên hàng nghìn lần. Kết quả là một thí nghiệm tự nhiên ở quy mô khổng
lồ. Việc thí nghiệm không phải là mục đích của những người phụ trách
CPS, nhưng khi nhìn nhận theo góc độ này, cách bốc thăm như vậy cho ta
một cơ hội tuyệt vời để đo lường xem việc lựa chọn trường học (nói chính
xác là lựa chọn một trường học tốt hơn) thật sự quan trọng ra sao.
Thế dữ kiện cho thấy điều gì?
Câu trả lời sẽ không làm hài lòng các bậc cha mẹ bị ám ảnh: trong
trường hợp này, lựa chọn trường học chẳng quan trọng gì cả. Liệu có đúng
là những học sinh Chicago đi bốc thăm chọn trường có nhiều khả năng tốt
nghiệp hơn những học sinh không đi chọn? Việc chọn trường tạo nên khác
biệt? Đó chỉ là ảo giác. Bằng chứng là ở phép so sánh này: Các học sinh
thắng khi bốc thăm và đi học ở những trường “tốt hơn” không hề khá hơn
những học sinh có cùng trình độ nhưng bị thua khi bốc thăm và phải ở lại
trường cũ. Tức là, một học sinh quyết định rời trường cũ để bước vào CPS
sẽ tốt nghiệp cho dù có cơ hội theo học ở một ngôi trường mới hay không.
Hóa ra những điều có vẻ như là lợi thế nhờ đi học ở trường mới lại không
dính dáng gì đến ngôi trường mới ấy cả. Ý nghĩa của sự kiện này là ở chỗ
các học sinh và phụ huynh đã chọn bỏ trường cũ để sang CPS có xu hướng
thông minh hơn và có nhiều động lực hơn đối với việc học hành. Nhưng về
mặt thống kê mà nói, họ không thu lượm được thêm kiến thức khi chuyển
trường.