chúng tôi hoàn toàn ủng hộ những gì cậu đang làm. Đó là một công việc rất
thú vị. Chúng tôi ủng hộ cậu theo cách đó”.
Levitt đã sớm nhận ra rằng sự ủng hộ mà anh ta nhận được từ Đại học
Chicago còn hơn cả việc nghiên cứu. Trong năm anh nhận công tác, vợ anh
đã sinh đứa con đầu lòng, đặt tên là Andrew. Một ngày sau khi Andrew vừa
tròn một tuổi, cậu bé đã bị sốt nhẹ. Bác sỹ chẩn đoán cậu bị nhiễm trùng
tai. Khi cậu bé tiếp tục bị nôn vào sáng hôm sau, cha mẹ đã mang cậu tới
bệnh viện. Ngay ngày hôm sau, cậu bé tử vong do viêm màng não.
Trong cơn hoảng loạn và đau đớn, Levitt lại vướng một khóa sắp tốt
nghiệp cần phải giảng dạy. Chính Gary Becker − nhà kinh tế học giành giải
Nobel khi đó đã gần 70 tuổi − đã giảng thay cho anh. Một đồng nghiệp
khác, D. Gale Johnson, đã gửi thiệp chia buồn tới Levitt và anh vẫn luôn
xúc động mỗi khi nhắc lại ký ức đó.
Từ những năm 1980, Levitt và Johnson, nhà kinh tế học về ngành
nông nghiệp, bắt đầu nói chuyện với nhau thường xuyên hơn. Levitt được
biết con gái của Johnson là một trong những người Mỹ đầu tiên nhận con
nuôi từ Trung Quốc. Một thời gian sau, Levitt cũng nhận con gái nuôi và
đặt tên là Amanda. Ngoài Amanda, vợ chồng Levitt cũng sinh thêm được
một bé gái nữa, bây giờ đã gần ba tuổi, và một bé trai. Nhưng dù thế nào thì
cái chết của Andrew vẫn là một nỗi đau khôn nguôi. Gia đình Levitt đã trở
thành bạn thân với gia đình có bé gái đã nhận gan hiến tặng của Andrew
(họ cũng hiến tặng cả tim của Andrew cho một trẻ em nhưng không may
sau đó bé bị chết). Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi một học giả như Levitt
theo đuổi những đề tài thực tế trong cuộc sống, lại nghiên cứu về cái chết.
Levitt và Jeannette đã tham gia một nhóm ủng hộ những ông bố bà mẹ
chịu hoàn cảnh đau buồn. Levitt đã bị sốc khi biết có nhiều đứa trẻ chết
đuối trong bể bơi. Đó là những cái chết không được báo chí quan tâm như
cái chết của một đứa trẻ vì nghịch súng.