Nhiều người, cả bạn bè của anh, có thể không hề nhận thấy tác phẩm
của Levitt chính là viết về kinh tế học. Nhưng anh chỉ đơn thuần chắt lọc
cái gọi là ngành khoa học khô khan này cho mục tiêu tối quan trọng của nó:
giải thích cách mà mọi người có được cái họ muốn. Không giống như các
nhà hàn lâm, anh không ngại tận dụng khả năng quan sát và thói tò mò của
bản thân; anh cũng không sợ đàm tiếu và đưa chuyện (nhưng anh lại sợ tính
toán). Anh là người theo thuyết trực giác. Anh sàng lọc từ hàng chồng dữ
liệu để tìm bằng được vấn đề mà người khác không thể tìm hiểu được. Anh
định ra cách để đánh giá sự tác động trong khi những nhà kinh tế học khác
đã tuyên bố không thể đánh giá được. Mối quan tâm sâu sắc của anh − mặc
dù anh nói rằng anh không bao giờ tự mình liên quan những thứ đó − là
gian lận, hối lộ và tội phạm.
Tính tò mò, thẳng thắn của Levitt quả thật đã hấp dẫn hàng ngàn độc
giả của tạp chí New York Times. Anh bị vây bọc bởi hàng loạt câu hỏi, thắc
mắc và yêu cầu, không chỉ từ hãng xe General Motors và đội bóng rổ nhà
nghề nổi tiếng New York Yankees, các vị thượng nghị sỹ Hoa Kỳ mà còn
từ đám tù nhân, các vị phụ huynh, và có cả một người đàn ông suốt hai
mươi năm đã lưu giữ số liệu rất xác thực về doanh thu bán bánh vòng. Một
nhà cựu quán quân giải đua xe đạp còn đề nghị Levitt giúp chứng minh giải
đua có dính dáng tới doping; thậm chí cả Cục Tình báo Trung ương Mỹ
(CIA) cũng muốn biết Levitt đã sử dụng dữ liệu như thế nào để tóm bọn
rửa tiền và bọn khủng bố.
Những thắc mắc của họ chính là sức mạnh ẩn bên trong niềm tin của
Levitt: cho dù thế giới hiện đại đã quá thừa thãi những điều đen tối và rắc
rối, song nó không phải là không thể lĩnh hội, và thấu hiểu nếu những câu
hỏi đúng đắn được đặt ra, thì thậm chí chúng còn gợi cảm hứng nhiều hơn
là chúng ta vẫn nghĩ. Tất cả những gì chúng ta cần là một cách nhìn mới.
Ở thành phố New York, các nhà xuất bản đều đề nghị Levitt viết sách.