kinh tế phát triển dễ dàng hơn. Mặc dù vậy, hậu khủng hoảng 2008 - 2009, kinh
tế Trung Quốc cho đến nay đang trong rủi ro “hạ cánh cứng”, với tốc độ tăng
trưởng suy giảm nhanh chóng và bất ổn vĩ mô ngày một gia tăng, đặc biệt trên
thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Điều này một phần là hậu quả của
những tác động tiêu cực từ môi trường bên ngoài, song chủ yếu nằm ở khả năng
điều hành và mức độ quyết liệt đến đâu trong triển khai tái cơ cấu kinh tế của
chính phủ Trung Quốc. Trong trung hạn, các yếu tố bên ngoài sẽ tiếp tục có
nhiều ảnh hưởng tới tình hình kinh tế Trung Quốc, trong đó quan trọng và chủ
yếu nhất là chính sách tiền tệ của Mỹ, khả năng phục hồi tăng trưởng ở châu Âu
và xu hướng hội nhập khu vực thời gian tới ở Đông Á. Dù còn nhiều rủi ro song
các yếu tố bên ngoài được đánh giá đang ở trong xu thế tích cực, tạo môi trường
thuận lợi cho phát triển kinh tế Trung Quốc.
MỘT SỐ RỦI RO CỦA HỆ THỐNG NGÂN HÀNG TRUNG QUỐC (TỪ
NĂM 2003 ĐẾN NAY)
Trong chương này, nhóm tác giả dựa trên việc đánh giá toàn diện về các lĩnh
vực của hệ thống tài chính tiền tệ Trung Quốc để trả lời câu hỏi quan trọng nhất
vào thời điểm hiện nay: hệ thống tài chính tiền tệ của Trung Quốc có đang trong
tình trạng rủi ro hay không, nếu có thì là bao nhiêu? Để trả lời câu hỏi này, nhóm
tác giả đã lần lượt đánh giá mức độ rủi ro về tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro
từ cơ cấu quản trị, rủi ro từ suy thoái kinh tế bên ngoài của toàn bộ hệ thống tài
chính tiền tệ Trung Quốc. Các tác giả cho rằng, vấn đề lớn nhất của hệ thống
ngân hàng Trung Quốc là tăng trưởng tín dụng quá mức trong nhiều năm liền.
Điều này nếu không kết hợp với một chính sách đầu tư và quản lý phù hợp thì
mặc dù tăng trưởng có thể đạt ở mức khá nhưng về lâu dài sẽ đẩy nền kinh tế rơi
vào tình trạng tăng trưởng nóng dựa trên nguồn vốn tín dụng. Khả năng thanh
khoản và các vấn đề về huy động tiền gửi của hệ thống ngân hàng Trung Quốc
giảm liên tục cho thấy tính ổn định trong nguồn tiền huy động của hệ thống ngân
hàng không cao, rủi ro thanh khoản đã bắt đầu hiện hữu. Hoạt động “ngân hàng
mờ” đang là vấn đề nổi cộm trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Vấn đề quản
trị công ty và quy định pháp lý về quản trị đóng vai trò quan trọng trong việc cải
cách hệ thống ngân hàng Trung Quốc và quyết định tới hiệu quả hoạt động của
hệ thống này. Chế độ xã hội và đặc điểm của các tổ chức kinh tế, chính trị của
mỗi quốc gia có ảnh hưởng tới cách tiếp cận trong cải cách và phát triển hệ thống