RỦI RO VỀ NỢ CÔNG VÀ NỢ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
TỪ CHIẾN LƯỢC ĐÔ THỊ HÓA KIỂU MỚI
Trong chương này, các tác giả đã nghiên cứu về các rủi ro mà việc theo đuổi
chiến lược đô thị hóa kiểu mới cũng như cách thức tăng trưởng kinh tế theo diện
rộng có thể tạo ra đối với kinh tế Trung Quốc, biểu hiện dưới hình thức các
khoản nợ công – đặc biệt là nợ của chính quyền địa phương. Tỉ lệ đòn bẩy tài
chính của Trung Quốc đã tăng lên mức 150% GDP, chỉ trong vòng 5 năm (2008 -
2012), tỉ lệ này đã tăng 30 điểm phần trăm. Nghiên cứu của các tác giả cho thấy,
tốc độ vay nợ của địa phương tăng nhanh chỉ trong vòng 5 năm (2008 - 2012) kể
từ sau khi gói kích thích 4.000 tỉ RMB được đưa vào nền kinh tế là một rủi ro. Tỉ
lệ nợ chưa quá cao so với nhiều nước phát triển trên thế giới nên được coi là rủi
ro ở mức độ thấp, nhưng chiến lược đô thị hóa kiểu mới với nhu cầu về đầu tư cơ
sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu của hơn 1 tỉ cư dân đô thị vào năm 2020 có thể tạo ra
vòng xoáy vay nợ mới của chính quyền các cấp với tốc độ gia tăng nợ nhanh hơn
cả giai đoạn 2008 - 2012. Bên cạnh đó, sự khuyết thiếu một thể chế giám sát,
kiểm soát đối với hoạt động vay nợ thông qua phát hành trái phiếu của địa
phương; việc địa phương sử dụng các khoản vay ngắn hạn để đầu tư cho các dự
án dài hạn đều làm gia tăng mức độ rủi ro hiện có. Việc huy động vốn thông qua
phát hành trái phiếu sẽ là lựa chọn tất yếu và có hiệu quả hơn so với việc chính
quyền địa phương huy động vốn từ hệ thống ngân hàng như hiện nay thông qua
một hệ thống trung gian là các công ty tín thác và đầu tư. Trước hết, việc phát
hành trái phiếu cho phép chính quyền địa phương tự chủ trong việc huy động
vốn và không gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của chính phủ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu sẽ làm tăng mức độ minh bạch thông tin
và trách nhiệm giải trình khi giá cả trái phiếu liên quan đến xếp hạng tín nhiệm
của chính quyền. Để đảm bảo mức độ lành mạnh của hệ thống tài chính cũng
như kiểm soát được rủi ro từ hoạt động vay nợ của chính quyền địa phương,
Trung Quốc cần hình thành được một khung khổ thể chế nhằm minh bạch và
chuẩn hóa hoạt động vay nợ của địa phương. Chẳng hạn, ban hành chế độ trách
nhiệm tài chính nhằm hạn chế việc vay nợ hoặc vay và chi tiêu ngoài ngân sách.
Đồng thời, do mục đích các khoản vay của sàn huy động vốn địa phương chủ
yếu được dùng cho mục đích phát triển cơ sở hạ tầng nên hoạt động chi đầu tư
của các sàn này (cụ thể là các công ty hoạt động trên “sàn”) cần đưa vào chiến
lược đầu tư công chung của Trung Quốc.