tập trung thiêu cháy anh. Anh hoàn toàn hiểu rõ trình tự, quy trình đó, cho nên
trước khi tai họa đổ lên đầu, phải tìm cách trì hoãn, kéo dài thời gian.
Ngày mai chỉ đạo viên đại đội của anh tuyên bố thẩm tra, thì hôm nay các
“chiến hữu” vẫn vui vẻ cùng anh, cùng húp cháo ngô, ăn màn thầu, cùng ngủ
trên đệm rơm trải lên sàn đất mà mỗi người chỉ được bốn mươi phân bề rộng,
đo bằng thước dây hẳn hoi, dù gầy hay béo, dù già hay trẻ, dù trước đây ở Bắc
Kinh là thủ trưởng hay cần vụ, đều bình đẳng như nhau, duy một điều là
không lẫn lộn nam nữ. Thế nhưng, cặp vợ chồng nào chưa có con nhỏ thì vẫn
nam nữ thụ thụ bất thân, ai về giới tính nấy. Trường học cán bộ 57 biên chế
theo bốn cấp: tiểu đội, trung đội, đại đội và tiểu đoàn, tất cả đều do đại diện
quân đội chỉ huy. Sáu giờ sáng loa phóng thanh oang oang, “học viên” vùng
dậy, trong vòng hai mươi phút phải tranh nhau vòi nước đánh ráng rửa mặt, rồi
lập tức tập hợp trước tấm ảnh lãnh tụ vĩ đại treo trên bức vách đất làm lễ “xin
chỉ thị buổi sáng”, cất cao bài ca “ngữ lục” (lời nói của lãnh tụ tối cao được
phổ nhạc), tay cầm sách đỏ hô ba lần “vạn tuế, vạn vạn tuế” đoạn vào nhà ăn
húp cháo loãng, và tiếp đến là tụng niệm “Mao tuyển” khoảng hơn nửa tiếng
đồng hồ, cuối cùng vác xẻng, cuốc ra đồng canh tác. Cứ thế ngày này qua
ngày khác, số phận đều như nhau mà cứ đấu tới, đấu lui, không biết đấu cái gì.
Hôm anh được lệnh miễn đi lao động ở nhà viết kiểm điểm, cả doanh trại
như thể bị bệnh dịch đe dọa, ai cũng sợ lây nhiễm, tránh xa anh, chẳng người
nào dám chào hỏi hay nói với anh một câu. Anh không rõ, người ta đã nắn
thóp anh vấn đề gì, nên nhằm lúc thằng cha nọ lâu nay đối xử cũng tốt với anh
đi vào nhà xí công cộng, anh vội vã theo hắn, giả bộ tuột quần tiểu tiện, và nói
rất khẽ “ông anh có biết vì sao họ lại bắt thằng em?”. “Ông anh” ho lên một
tiếng, cúi đầu, rặn to, không dám nhìn mặt “thằng em”. Anh đành chui ra và
phát hiện đã có cán bộ đứng canh ở bên ngoài, nhưng cũng giả bộ ngắm trời
ngắm đất.
Hội nghị “giúp đỡ” anh bắt đầu. Cái gọi là giúp đỡ ở “Cán hiệu 57” này
thực chất là một cuộc phát động quần chúng gây sức ép buộc đương sự phải
thừa nhận và khai báo các sai lầm, khuyết điểm; mà sai lầm, khuyết điểm lại
đồng nghĩa với tội trạng. Quần chúng dự hội nghị “giúp đỡ” như một đàn chó,
roi của chủ quất vào đâu thì xông tới đó cắn xé, trừ phi đến lượt mình. Anh đã