Tuy nhiên, có một số tập đoàn giống hệt các thể chế tôn giáo
về khía cạnh phát triển lãnh đạo và nhiều tập đoàn trở thành các tổ
chức thành công nhất trong ngành. GE dưới thời Jack Welch (và
không nghi ngờ gì nữa, dưới thời người kế nhiệm Jeffrey Immelt)
luôn thận trọng trong việc sử dụng những nhà quản lý, đảm bảo rằng
họ không phải là “những cậu bé” mà là những nhà lãnh đạo trưởng
thành đã được “thử thách qua lửa” và đạt được những mục tiêu khó
khăn dành cho họ.
“Tôi muốn một cuộc cách mạng, và tôi muốn cuộc cách mạng đó
diễn ra tại Crotonville” − Welch muốn nói tới Trung tâm phát triển
quản lý nổi tiếng của GE, được thành lập năm 1956 và đến nay được
đổi tên thành Trung tâm phát triển quản lý Jack Welch. Crotonville
có truyền thống là nơi GE đưa ra những ý tưởng mới và tiến hành
các cuộc tranh luận để thực thi các ý tưởng đó.
Về việc phát triển đội ngũ lãnh đạo của tập đoàn, nhiều vị tổng
giám đốc chỉ nói đãi bôi, có thể là tham dự một buổi hội nghị qua
điện thoại hoặc gửi một thông điệp ngắn qua băng video vào lúc bắt
đầu buổi họp. Welch thì khác, cứ hai tuần một lần ông tới
Crotonville tham dự các buổi “học tập kinh nghiệm” cùng các vị giám
đốc khác, và ông không hề vắng mặt trong suốt 16 năm làm Chủ
tịch.
Nhiều người quen thuộc với cách làm việc dứt khoát và chú trọng
điểm cốt yếu của Jack Welch ban đầu đã nghi ngờ quyết tâm
phát triển đội ngũ lãnh đạo của ông. Vào đầu nhiệm kỳ của Welch,
nhiều vị trưởng phòng đã sử dụng các khoản ngân sách dành cho
phát triển lãnh đạo vào các mục đích khác, trong đó có cả những việc
quan trọng của công ty. Welch đã dành phần thưởng xứng đáng cho
những nhà lãnh đạo nghiêm chỉnh tuân thủ chương trình phát triển,
còn những người vi phạm phải gánh chịu hậu quả.