xiv
•
KINH VU-LAN BÁO HIẾU
thanh tịnh sau ba tháng chuyên ròng tu tập thiền định và phát
huy giới đức. Thực ra, không phải chỉ có ngày rằm tháng 7
Đức Phật mới hoan hỷ. Đức Phật luôn luôn hoan hỷ trong mọi
thời gian. Nói cách khác nơi nào và lúc nào, có những người
con hiếu thảo, cung kính, nuôi dưỡng cha mẹ đúng pháp, nơi
đó có sự hoan hỷ của Phật, nơi đó có sự sống đạo đức. Nơi
nào con cái bất hiếu ngỗ nghịch với cha mẹ, nơi đó không có
sự hoan hỷ, mà chỉ có mặt của đau khổ và bất hạnh. Sở dĩ kinh
văn nói đến rằm tháng 7 là ngày Phật hoan hỷ là nhằm nhấn
mạnh vào hành vi hiếu thảo của các người con trong ngày
mang tính biểu tượng đạo hiếu và báo hiếu này.
Kế đến vấn đề cúng dường chư tăng, kinh văn có nói “sắm
đủ mọi phẩm vật tươi tốt và thượng hạng”. Đây là một cách
mô tả mang tính ẩn dụ văn học trong kinh điển Đại thừa. Cách
mô tả của kinh văn phản ánh một quan niệm rằng người con
hiếu thảo phải sẵn lòng vì cha mẹ không tiếc tiền của để báo
đáp công ơn sanh thành của cha mẹ. Sắm các thức ăn ngon và
sang trọng phải được hiểu là cách thể hiện lòng chí thành hay
chân thành của người con đối với việc chu lo cho cha mẹ, chứ
không nhất thiết là các phẩm vật thượng hạng trong thực tế.
Một khi lòng đã chân thành rồi thì số lượng và khối lượng vật
chất dùng vào việc hiếu thảo không còn là vấn đề nữa. Nói
cách khác, khi có đủ lòng chân thành thì cúng cho Tam bảo
một nén hương, một bát nước, một cành hoa, một trái cây cũng là
báo hiếu cha mẹ được. Thế mới biết trong đạo Phật chữ tâm quan
trọng đến thế. Tâm là tiêu chí đánh giá thiện ác và là cái cân để
đo lường các trị số đạo đức của hành vi, trong báo hiếu nói riêng
và trong cuộc sống nói chung. Đạo Phật trong ý nghĩa này được
xem đạo dạy về tâm, huấn luyện về tâm và tu tập về tâm.
5.5. Đối tượng giáo dục
Khi nghiên cứu kinh Vu-lan và kinh Báo Ân có một vấn