Chú Eo, ngồi phía bên kia dì Guida, xen vào: “Dì con không đùa đâu.
Con chỉ có thể bơi ở đó sau một cơn mưa lớn và ở các khúc có nước mát
hơn.”
Tôi choáng váng. Chú Eo là một nhà phân tâm học nổi tiếng. Chú nói
một cách chính xác, chú sẽ không thêm thắt vì một câu chuyện.
“Dì nghiêm túc chứ?” Tôi hỏi lại.
“Nó là một nơi linh thiêng, được bảo vệ bởi một pháp sư siêu phàm,” dì
Guida bảo.
“Dì là bạn của vợ vị pháp sư đó, bà ấy là một y tá,” chú Eo nói tiếp.
Dì Guida gật đầu: “Họ có một trung tâm chữa bệnh tên là Mayantuyacu
và con sông chảy ngay phía trước trung tâm đó. Nó rộng bằng một con
đường hai làn, nước chảy xiết.”
Tôi biết dì từng làm công tác bảo tồn và xã hội với các cộng đồng bản
địa ở Amazon. Tuy nhiên, tôi vẫn không tin. Tôi chộp lấy iPhone và tìm
kiếm “Mayantuyacu”. Không có kết quả nào. Điều này khiến Guida và Eo
rất bất ngờ, họ khăng khăng các bệnh nhân nước ngoài thường xuyên ghé
thăm trung tâm chữa lành này. Họ cũng đã được một người bạn làm việc
với cộng đồng Asháninka mời tới đây.
“Vậy nó ở đâu?” tôi hỏi, kéo ứng dụng Google Earth lên màn hình điện
thoại.
“Trong rừng, ở đâu đó giữa Amazon của Peru,” dì Guida nói. “Từ
Pucallpa tới đó mất khoảng bốn giờ – con có thể đi bằng ô tô, sau đó đi ca
nô máy và đi bộ.”
Tôi nghiên cứu địa hình trên điện thoại, cố gắng tới vị trí gần
Mayantuyacu nhất có thể dựa trên những mô tả của chú và dì, cũng như
kiến thức địa chất riêng của mình về nơi hệ thống địa nhiệt thường đến trên
bề mặt. Độ phân giải hình ảnh vệ tinh rất thấp, nhưng tôi có thể nhận ra cái
gì đó trông giống một địa hình bầu dục rộng lớn trải dài từ 3 đến 5 dặm *,
cách Pucallpa khoảng ba mươi dặm * về phía Nam. Nó có một vành đai nổi
bật và một vòm đất rộng nổi lên ở chính giữa.