84
Phương pháp
Kỷ luật tích cực
Họp lớp và họp gia đình
Để hình thành một nề nếp, nội quy hay giải quyết các mâu thuẫn, vấn đề nảy sinh thì các cuộc họp lớp
và họp gia đình để trẻ tham gia thảo luận vấn đề cần quan tâm là rất có ích. Đôi khi đó cũng là dịp để
các thành viên trong gia đình hay lớp học muốn thay đổi, điều chỉnh một vài điều đã thoả thuận. Các
cuộc trao đổi ở nhà và sinh hoạt lớp ở trường là cơ hội để trẻ học cách chia sẻ trách nhiệm. Đó cũng
là cơ hội để người lớn thể hiện sự tôn trọng trẻ, hiểu được quan điểm của trẻ, cùng trẻ đi đến những
quyết định mà tất cả sẽ cùng thống nhất và thực hiện.
Tuy gia đình và lớp học có một số điểm khác nhau nhưng có nhiều điểm chung về nguyên tắc thiết lập
nề nếp kỷ luật. Các chuyên gia giáo dục hàng đầu trên thế giới lưu ý rằng: mục đích của họp lớp, họp
gia đình không phải để phê bình hoặc thuyết giảng về đạo đức. Cha mẹ, thầy cô giáo đừng coi cuộc
họp lớp, họp gia đình là hình thức để kiểm soát trẻ được nhiều hơn. Trẻ sẽ nhận thấy điều này và sẽ
không hợp tác.
Mục đích của họp lớp, họp gia đình là:
(1)
Khích lệ những gì trẻ đã đạt được
(2)
Giúp đỡ nhau
(3)
Giải quyết vấn đề, khó khăn
(4)
Lập kế hoạch cho những sự kiện hay hoạt động của lớp/gia đình
Thông qua các cuộc họp lớp, họp gia đình, người lớn giúp trẻ học được những kỹ năng quan
trọng sau đây:
Tôn trọng lẫn nhau (từng người nói một; lắng nghe người khác nói)
Khích lệ lẫn nhau (khích lệ những điểm tốt mà các cá nhân đã đạt được: thân thiện với nhau, chia
sẻ, hợp tác trong một công việc nào đó)
Để trẻ cùng thảo luận cách áp dụng hệ quả lôgíc. Ví dụ, nếu viết lên bàn, lên tường, chửi tục, đi
muộn, không làm bài ở lớp, đi học về muộn, bày bừa khắp phòng,... thì trẻ sẽ bị kỷ luật như thế
nào. Lưu ý không bao giờ quên 3 quy tắc của hệ quả lôgíc: liên quan, tôn trọng và hợp lý.