“Giáo dục trong gia đình trước hết là tổ chức, giáo dục tinh thần. Không
chỉ sự tác động có ý thức, có phương pháp của cha mẹ ảnh hưởng đến sự
hình thành tính cách của trẻ, mà bản thân mô hình tổ chức và cường độ
của cuộc sống gia đình cũng ảnh hưởng đến đứa trẻ.”
- Macarenco,
nhà giáo dục người Nga
Nguyên tắc 4.
Lao động là phương tiện giáo dục có hiệu quả sâu sắc và
toàn diện. Đây là nguyên tắc giáo dục trong lao động, giáo dục gián tiếp
thông qua lao động. Vì nhờ có lao động con người mới tôi luyện được những
đức tính tốt đẹp. Cha mẹ cần biết hướng dẫn cho con lao động vừa sức và hợp
lý, biểu dương kỹ năng lao động tốt, động viên tinh thần yêu lao động, sáng
tạo, dạy phương pháp lao động tư duy (học tập), biết kết hợp học và hành.
Nguyên tắc 5.
Tổ chức và sinh hoạt gia đình hòa thuận, dân chủ, tránh
thiên vị hay lấy uy quyền của người lớn mà ép buộc trẻ, khiến trẻ bị ức chế,
có thể tuân thủ mệnh lệnh nhưng trong lòng không phục.
NHỮNG YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN
VIỆC GIÁO DỤC CỦA CHA MẸ
Tuổi của cha mẹ
Tuổi của cha mẹ ảnh hưởng không nhỏ tới việc giáo dục con. Những cha
mẹ trẻ tuổi thường dành thời gian dạy dỗ con nhiều hơn các bậc cha mẹ tuổi
trung niên. Cha mẹ trẻ (độ tuổi 20 - 30) dễ gần gũi trẻ hơn, dễ hiểu tính cách
trẻ hơn. Hơn nữa, do mới bước vào tuổi làm cha mẹ nên họ thể hiện vai trò
của mình một cách nhiệt tình.
Đối với các bậc cha mẹ thuộc lứa tuổi cao hơn thì tỉ lệ thường xuyên chăm
sóc dạy con giảm ở độ tuổi 30 - 40, nhưng tăng dần ở độ tuổi trên 40. Ở tuổi
30 - 40, các bậc cha mẹ bận lo xây dựng kinh tế gia đình và cho rằng con đi
học thì đã có nhà trường quản lý, ở nhà thì “đứa lớn bế đứa bé”, tự chăm sóc
lẫn nhau. Khi cha mẹ ở tuổi trên 40, kinh tế gia đình đã tạm ổn định, con cái
vào độ tuổi “chóng lớn”, “khó bảo” nên cha mẹ mới bắt đầu chú ý đến con cái
hơn. Các bậc cha mẹ ở tuổi này thường than phiền rằng họ khó dạy con vì
cách nghĩ của con cái và cha mẹ quá khác biệt, còn con cái lại phàn nàn rằng
cha mẹ quá lạc hậu.
Đây là vấn đề khoảng cách thế hệ - một yếu tố gây khó khăn không ít cho
việc giáo dục con. Sự chênh lệch tuổi tác dẫn đến sự khác nhau về tâm lý,
nhận thức, quan niệm sống, cách cư xử trong đời sống hàng ngày giữa cha mẹ
và con cái. Nói cách khác, giữa các thế hệ trong gia đình tồn tại một khoảng
cách về tâm lý. Có thể thấy điều kiện kinh tế, xã hội mà thế hệ cha mẹ sinh ra
và lớn lên có nhiều khác biệt so với thời của con cái. Không những thế, do
tuổi đời lớn hơn, lại trải qua nhiều sự biến đổi thăng trầm trong cuộc sống nên
cha mẹ thường có cách suy nghĩ và ứng xử thận trọng, điềm tĩnh hơn, khác
với tính cách đơn giản, nông nổi của trẻ.
47