chính trị, Park khẳng định rất rõ rằng họ chỉ làm việc cho mình ông
với sự tin tưởng của ông. Khi họ vượt ra khỏi vai trò là người bảo vệ
để tìm kiếm quyền lực riêng cho mình, như Park từng nghĩ về Kim
Seong-gon vào năm 1972, ông nhanh chóng trừng trị những kẻ thách
thức có thật hoặc trong tưởng tượng đó nhằm gửi đi một thông điệp rõ
ràng đến tất cả mọi người rằng những người gây quỹ cho DRP chỉ là
những người bảo vệ, rằng quyền lực tối cao chỉ nằm trong tay Park, và
rằng chaebol không nên tìm kiếm quyền lực chính trị cho riêng mình.
Nguyên tắc rằng chaebol không nên tự mình trở thành các thế lực
chính trị là yếu tố cần thiết để Park chọn được các đối tác chủ yếu dựa
trên kết quả kinh doanh, kiểm soát chaebol thông qua cạnh tranh độc
quyền nhóm và thiết lập kỷ luật phòng tránh các hiểm họa đạo đức tồi
tệ nhất bằng cách để cho các chaebol yếu kém nhất phải trải qua một
giai đoạn điều chỉnh. Việc biến chaebol thành trung tâm quyền lực
chính trị thay thế bằng chính sức mình hoặc trở thành đồng minh thế
yếu với các chính trị gia đảng phái chắc hẳn sẽ ngăn cản nhiệm vụ vốn
rất thách thức là cân bằng giữa các xu hướng diều hâu và phát triển
của nhà nước, giữa chủ nghĩa thân hữu và năng lực kinh doanh của
chaebol, và giữa việc sản sinh ra hoa lợi và điều tiết các hiểm họa đạo
đức sau đó.
Nói như trên không có nghĩa là Park đã có sẵn bốn nguyên tắc và
chuẩn mực này để vận hành mối quan hệ nhà nước-chaebol ngay từ
thuở ban đầu của chế độ cầm quyền. Ngược lại, những nguyên tắc và
chuẩn mực này được hình thành từ các xung đột chính trị, sai lầm
chính sách và được học hỏi trong suốt 18 năm cầm quyền. Chúng liên
tục được thiết lập và tái thiết lập khi Park đi lắt léo nhằm tìm một công
thức phù hợp để quan hệ hợp tác nhà nước-chaebol có thể giúp ông sử
dụng hoa lợi cho các mục đích hiệu quả kinh tế. Chương 9 phân tích
quá trình thiết lập các nguyên tắc và chuẩn mực chi phối mối quan hệ
nhà nước-chaebol trong kỷ nguyên của Park.
Hợp tác với chaebol, 1961-1963