một sự đe dọa trầm trọng tính bền vững của không chỉ các chaebol
này mà còn của toàn thể nền kinh tế quốc gia. Một số lượng lớn các
chaebol được tài trợ bằng vay nợ nước ngoài bắt đầu cho thấy những
dấu hiệu của tình trạng mất khả năng thanh toán vào năm 1967, tuy
nhiên Park chỉ có thể trì hoãn việc điều chỉnh vì các áp lực chính trị
nặng nề đòi hỏi gia tăng cung tiền nhằm đảm bảo chiến thắng của
DRP trong cả các cuộc bầu cử Nghị viện Quốc gia và tổng thống vào
năm 1967.
Chỉ đến năm 1968, Park mới đối mặt với thực tế nghiệt ngã của
cuộc khủng hoảng tài chính. Cuộc khủng hoảng này được quy cho ba
yếu tố. Thứ nhất, chaebol đã bị mắc nợ nặng nề sau năm năm siêu
tăng trưởng, với một tỷ lệ lớn vốn đầu tư được tài trợ bởi các khoản
vay tư nhân ngắn hạn trên thị trường chứng khoán phi chính thức và
các khoản vay thương mại nước ngoài. Tỷ lệ nợ-vốn cao có nghĩa là
giai đoạn suy thoái kinh tế lúc bấy giờ bị kích hoạt bởi một đợt suy
giảm toàn cầu sẽ ngay lập tức chuyển thành một cuộc khủng hoảng
doanh nghiệp, vì nhiều doanh nghiệp thậm chí còn không thể chi trả
được khoản lãi họ đang mắc nợ do lợi nhuận của họ đang sụt giảm.
Trong tổng số nguồn vốn hiện có của doanh nghiệp vào năm 1968,
tổng nợ lên đến con số khổng lồ 72,5%, trong số này 24,5% là các
khoản vay nước ngoài và 15% là các khoản vay trên thị trường chứng
khoán phi chính thức. Để giảm bớt các áp lực lên tài khoản vãng lai,
nhà nước thắt chặt các quy định về vốn đầu tư nước ngoài và gia tăng
lãi suất, tuy nhiên động thái này chỉ làm cho gánh nặng tài chính ở các
công ty vừa và nhỏ gia tăng. Lãi suất thực lên đến gần hai con số trái
ngược với lãi suất âm mà chaebol được hưởng. Lãi suất cho các khoản
vay trên thị trường chứng khoán phi chính thức tư nhân dao động từ
40 đến 70% càng làm tồi tệ thêm vị thế tài chính của không chỉ các
SME mà còn của ngày càng nhiều các chaebol.
Tình hình càng xấu hơn khi Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu hàng đầu
của Hàn Quốc, trải qua các áp lực bảo hộ gia tăng, ngăn cản ngành dệt