Để cải tổ ngành ô tô cùng với chính sách sáp nhập năm 1980, phái
bình ổn do EPB lãnh đạo cần vượt qua hai chướng ngại. Thứ nhất,
Daewoo và Hyundai phải thỏa thuận ai sẽ là đối tác Hàn Quốc duy
nhất với General Motors trong liên doanh mới được đề xuất ở ngành
công nghiệp xe khách. Tiếp đó, phải có một thỏa thuận khác giữa đối
tác Hàn Quốc với General Motors về cơ cấu sở hữu của liên doanh
mới này. Giữa hai vấn đề trên, vấn đề thứ nhất, liên quan đến quyền sở
hữu trong nước, dễ dàng giải quyết hơn. Đột phá ở vấn đề này đến từ
chiến lược mua bán liên ngành giữa Daewoo và Hyundai của nhà
nước. Năm 1980, hai tập đoàn chaebol gặp phải tình trạng dư thừa
năng lực sản xuất trong lĩnh vực sản xuất điện và ô tô. Tập trung vào
các hoạt động kinh doanh chồng lấn lẫn nhau của hai ngành này, phái
bình ổn đề xuất Hyundai và Daewoo mỗi bên chọn một lĩnh vực và từ
bỏ lĩnh vực còn lại. Phái bình ổn kỳ vọng Hyundai chọn lĩnh vực sản
xuất điện vì họ tin rằng ngành công nghiệp xe khách chỉ có thể phát
triển với sự hỗ trợ từ General Motors, đối tác liên doanh với Daewoo.
EPB bất ngờ, Hyundai phản đối bất cứ ý kiến nào về mua bán liên
ngành trên cơ sở công ty này cạnh tranh hơn Daewoo ở cả hai lĩnh
vực, dù công ty cũng gặp phải tình trạng dư thừa năng lực sản xuất.
Áp lực dai dẳng từ SCNSM cuối cùng cũng buộc Hyundai chấp nhận
kế hoạch sáp nhập, tuy nhiên khi được cho quyền chọn lĩnh vực
chuyên môn hóa, Hyundai lại chọn ngành xe khách trái với lời khuyên
của Ủy ban Kinh tế SCNSM. Sau quyết định của Hyundai, Keum Jin-
ho, Chủ tịch Sở Công nghiệp thuộc Ủy ban Kinh tế SCNSM, công bố
vào tháng 8 năm 1980 rằng cổ phần của Daewoo trong Saehan Motors
sẽ được Hyundai Motors mua lại, đổi lại Daewoo tiếp quản hoạt động
kinh doanh sản xuất điện của Hyundai, và rằng Kia sẽ được độc quyền
sản xuất xe thương mại, đổi lại phải rời khỏi ngành sản xuất xe khách.
Điều cuối trong thỏa thuận là cả Daewoo và Hyundai sẽ rút khỏi lĩnh
vực sản xuất xe thương mại.