Quốc quan trọng như ngành thép cũng được đánh giá là đặt các tập
đoàn keidanren Nhật Bản vào vị thế mạnh để tiến vào các ngành công
nghiệp nặng và hóa chất có liên quan. Không chỉ vậy, thông qua việc
sử dụng các quỹ bồi thường thiệt hại, các nhà sản xuất Nhật Bản có
thể hợp tác mà không phải chịu bất kỳ rủi ro tài chính nào. Ổn định
chính trị và hòa bình ở Bán đảo Triều Tiên cũng quan trọng đối với lợi
ích quốc gia Nhật Bản, mà về điều này thì các chính trị gia và quan
chức Nhật Bản cho rằng dự án POSCO sẽ làm tốt. Phe bảo thủ Nhật
tin rằng vị trí lãnh đạo chính trị vững chắc của Park, cùng với nhà
nước phát triển ủng hộ hiện đại hóa, sẽ cho phép Hàn Quốc vượt qua
các thách thức chính trị, kinh tế và an ninh những năm 1970. Tiến
hành viện trợ cho dự án nhà máy thép tổ hợp cũng mang lại cho đảng
LDP cầm quyền của Nhật Bản cơ hội chứng tỏ với đồng minh Hoa Kỳ
về cam kết chia sẻ chi phí an ninh quân sự khu vực.
Quan trọng không kém, không như Hoa Kỳ và Ngân hàng Thế giới
với quan điểm tân cổ điển, Nhật Bản đánh giá dự án POSCO thông
qua các lý thuyết lợi thế tương đối năng động của chính nước này
được thời gian kiểm chứng và công nhận khả năng học hỏi nhanh của
Hàn Quốc với sự hỗ trợ của Nhật. Nhật Bản không có sự ức chế mang
tính ý thức hệ ngăn cản nước này thúc đẩy ngành công nghiệp thép
non trẻ, vì nước này đã đi lên từ nghèo đói với cùng niềm tin vào chủ
nghĩa tích cực nhà nước [state activism]. Hai đất nước sử dụng thứ
ngôn ngữ chính trị mà cả hai đều dễ dàng thấu hiểu. Thú vị là, sau
quyết định ủng hộ nhà máy thép tổ hợp của Nhật vào tháng 9 năm
1969, Ngân hàng Thế giới đánh giá lại dự án này và cho là khả thi với
điều kiện Hàn Quốc cung cấp đủ sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cần thiết,
bao gồm việc xây dựng cảng, đường và dịch vụ cấp nước. Lời hứa của
người Nhật về việc cung cấp các quỹ bồi thường thiệt hại dưới dạng
viện trợ chính phủ và các khoản vay lãi suất thấp ngay lập tức đã xóa
bỏ nỗi sợ của Ngân hàng Thế giới về một POSCO yếu kém tài chính.