Khi POSCO xây dựng xong nhà máy thép tổ hợp năm 1973, công ty
này hãnh diện có được những nhà bảo trợ hùng mạnh và các trung
gian hiệu quả thay nó đảm trách vị trí trong các nhóm chính sách cao
nhất của đất nước. Nhân vật trung tâm chính là CEO của công ty, Park
Tae-jun. Từng là trưởng ban tham mưu cho chủ tịch chính quyền quân
sự lúc bấy giờ là Park Chung Hee trong năm đầu chế độ quân đội,
Park Tae-jun có được niềm tin không suy chuyển của ngài tổng thống.
Park luôn sẵn sàng ủng hộ quan điểm của Park ở cả các vấn đề
chiến lược và kỹ thuật, nhằm tăng cường sự tín nhiệm chính trị của
Park trong bộ máy quan liêu nhà nước, Đảng Cộng hòa Dân chủ, và
chính POSCO vì Park hiểu được tầm quan trọng trong việc bảo vệ các
đặc quyền CEO nếu ông muốn đạt được mục tiêu chính trị hiện đại
hóa của mình. Park Tae-jun vẫn là “Ngài POSCO” với quyền tiếp cận
Park dễ dàng đến cuối chế độ yushin năm 1979, ông đã cùng với Park
quyết định hầu như tất cả các vấn đề kinh doanh chiến lược liên quan
đến POSCO.
Phối hợp chặt chẽ với Park Tae-jun trong bộ máy quan liêu nhà
nước là EPB. Hai bên cùng kết hợp các nguồn lực cần thiết để đưa
POSCO đi đúng lộ trình. Trái ngược với việc Park Tae-jun sở hữu
niềm tin cá nhân của Park Chung Hee như một nhà quản lý chuyên
nghiệp trung thành tuyệt đối với Park, EPB có được lòng tin về mặt tổ
chức của Park sau khi phối hợp thành công giai đoạn cất cánh kinh tế
năm 1964. Họ làm nên một đội tuyệt vời năm 1969 với EPB chịu trách
nhiệm đàm phán các quy định và điều kiện về hỗ trợ từ Nhật Bản ở
cấp bộ còn Park hỗ trợ các cuộc đàm phán này trong những cuộc họp
cá nhân của ông với các nhà sản xuất thép Nhật Bản và các lãnh đạo
LDP. Sau đó, lợi ích hai bên khác biệt nhau ở Luật Phát triển Công
nghiệp Thép, nhưng sau giai đoạn xung đột ngắn này, EPB và Park
Tae-jun hợp tác chặt chẽ để đạt được mục tiêu chung là biến POSCO
thành một doanh nghiệp nhà nước hiệu quả.