của lĩnh vực sản xuất. Ở mỗi hộ gia đình, thu nhập nông thôn ở mức
55,8% mức thu nhập khu vực thành thị năm 1967, sụt giảm 47,5 điểm
phần trăm kể từ năm 1963 khi chiến lược ELI đang bắt đầu hình
thành. Và khoảng cách thu nhập thành thị-nông thôn tồi tệ hơn khi các
hộ gia đình nông thôn nghèo nhất không ngừng di cư đến các thành
phố đang phát triển. Theo dữ liệu của MAF, tỷ trọng các hộ gia đình
nông thôn nghèo nhất với chưa đến 0,5 héc-ta đất canh tác giảm từ
42,9% năm 1960 còn 35,9% năm 1965 và còn 31,6% năm 1970 vì di
cư. Tổng cộng 1,5 triệu người, hay 10% tổng dân số làm nông đã rời
nông thôn giữa năm 1968 và năm 1970.
Cuối những năm 1960, di cư trở thành nguồn gốc của những lo ngại
thay vì phước lành ẩn giấu để được nhà nước chào đón trong quá trình
kiềm hãm chi phí tái sản xuất của lao động công nghiệp. Đầu tiên, quy
mô dân số nông thôn bắt đầu giảm kể cả ở giá trị tuyệt đối sau năm
1967, làm thu hẹp pyobat, hay “cánh đồng phiếu bầu” cho DRP trong
các cuộc bầu cử Nghị viện Quốc gia theo chủ nghĩa bảo hộ. Thứ hai,
chính sự gia tăng những người lấn chiếm đất trong khu vực thành thị
đã trở thành một nguyên nhân của bất ổn xã hội, như cuộc nổi loạn
năm 1971 ở vùng ngoại ô Seoul cho thấy. Di cư đe dọa đến sự ổn định
chính trị của thành phố do sự tràn lan của những người nghèo thành
thị không có công việc ổn định tại đây. Thứ ba, chính sách giá ngũ cốc
thấp tuy hấp dẫn nhưng chắc chắn sẽ làm mất đi động lực sản xuất ngũ
cốc và khuyến khích tiêu thụ thực phẩm đúng lúc Hoa Kỳ bắt đầu kết
thúc chương trình viện trợ PL480. Do đó, Hàn Quốc phải dùng đến
nguồn ngoại hối hiếm hoi để nhập khẩu ngũ cốc. Theo thống kê từ
năm 1969 đến 1972, chỉ riêng nhập khẩu ngũ cốc đã chiếm đến hơn
10% tổng nhập khẩu, lấy đi những nguồn lực dành cho lĩnh vực sản
xuất chiến lược. Cả về mặt chính trị và kinh tế, chính sách nông
nghiệp cần phải được điều chỉnh. Bước thay đổi đảo ngược thứ hai của
Park xuất hiện vào năm 1968.
Hệ thống hai tầng giá, hạt giống mới và Saemaul Undong