hào dân tộc và kiềm hãm cảm giác chống Nhật nhằm giành được các
khoản tiền bồi thường thiệt hại từ Nhật để xây nên “nước giàu quân
mạnh” (pu-kuk kang-byeong), chaeya lại có quan điểm theo chủ nghĩa
đạo đức. Không tha thứ cho những bóc lột từ thời thực dân của Nhật,
chaeya phản đối việc bình thường hóa quan hệ nếu Nhật Bản không
công khai xin lỗi về những sai trái mà nước này đã gây ra trong quá
khứ.
Thứ hai là sự va chạm của hai chủ nghĩa thực dụng hiện đại hóa
khác biệt về ý thức hệ. Khác với chiến lược kinh tế “tăng trưởng trước,
phân phối sau” của Park, điều được ông biện minh rằng không chỉ là
yếu tố cần thiết trong một đất nước nghèo tài nguyên đang cần hiện
đại hóa mà còn tin rằng lợi ích của tăng trưởng sẽ “thẩm thấu xuống”
thông qua thị trường; chaeya lại đại diện cho phân phối công bằng.
Trong lĩnh vực quyền lợi chính trị cũng vậy, sự phân biệt rõ nét xuất
hiện. Trong khi Park bác bỏ dân chủ phương Tây để ưu tiên cái mà
ông gọi là nền dân chủ Hàn Quốc “có định hướng” hay “hành chính”,
chaeya được thúc đẩy bằng tầm nhìn về các giá trị khai phóng phương
Tây. Đặc điểm định hình trong ý thức hệ của lớp lãnh đạo cao nhất của
lực lượng này là dân chủ theo quy trình, thay vì chủ nghĩa dân túy,
chưa nói đến chủ nghĩa Mác-Lenin, nhân tố mà Park khẳng định là
chương trình nghị sự ngầm của lực lượng này.
Khoảng cách này không thể thu hẹp. Park thúc đẩy bình thường hóa
quan hệ với Nhật Bản để có được nguồn tài trợ mới cho phát triển kinh
tế và thiết lập nền tảng cho hợp tác an ninh ba bên giữa Seoul, Tokyo
và Washington bằng cách thắt chặt hệ thống các liên minh quân sự
song phương thời chiến tranh lạnh của Mỹ; trái lại các sinh viên đại
học, các chính trị gia đảng phái đối lập và giới trí thức bất đồng chính
kiến đòi hỏi lời xin lỗi rõ ràng từ Nhật vì những sai trái thời kỳ thực
dân như là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy quan hệ song phương.
Ngày 9 tháng 3 năm 1964, thay vì một lời xin lỗi như vậy và cẩn trọng
về mối nguy hiểm mà nguồn tiền từ Nhật được chuyển đến cho những