tòa, và thành lập tòa án quân sự để xử các trường hợp xâm phạm thiết
quân luật. Động thái trấn áp nhanh gọn đã đập tan khí thế của các cuộc
biểu tình sinh viên và khiến các đảng chính trị đối lập phải im lặng -
chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng đủ dài để Nghị viện Quốc gia do
DRP chiếm đa số thông qua dự thảo hiệp ước năm 1965.
Tình trạng hỗn loạn về hiệp ước này đã biến đổi hoàn toàn tờ
Sasanggye và bộ phận cấp tiến trong giới trí thức hay bày tỏ ý kiến
của Hàn Quốc thành các lực lượng chống Park. “Lúc này tình hình đã
trở nên giống những ngày cuối cùng trong chế độ Đảng Tự do của Lý
Thừa Vãn,” Sasanggye tuyên bố, “ba năm chính quyền quân sự đã đặt
nhân dân [Nam] Triều Tiên vào giai đoạn hỗn loạn và khó khăn nhất
kể từ thời kỳ Tangun [người sáng lập ra Triều Tiên cổ].” Khẳng định
khoảng cách giữa lý tưởng độc lập của tờ báo và “sự khúm núm” của
Park trước các cường quốc bên ngoài là không thể thu hẹp, Sasanggye
chứng kiến sự hình thành bối cảnh chính trị phân cực thúc đẩy
minjung (quốc dân) chống lại “bè lũ cầm quyền” ở các vấn đề lòng tự
tôn dân tộc và các giá trị dân chủ. Từ đó bắt đầu cuộc cạnh tranh chính
trị giữa chaeya và Park để kiểm soát, điều hành và đại diện hay cá
nhân hóa các lực lượng chủ nghĩa dân tộc Hàn Quốc, các lý tưởng dân
chủ và tinh thần bình đẳng. Chaeya tận dụng chủ nghĩa dân tộc Hàn
Quốc chống Nhật để xây dựng nền tảng quyền lực, từ đó thách thức
Park và DRP. Hơn nữa, vì chính Hoa Kỳ đang quyết liệt thúc đẩy hiệp
ước bình thường hóa với hy vọng xây dựng các liên kết khu vực ba
bên giữa Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm loại bỏ và ngăn chặn
sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản, nên sự chống đối hiệp ước của
chaeya có khả năng phát triển thành một phong trào chống Mỹ. Tuy
nhiên đó chỉ là dự đoán, còn việc thực hiện là phần việc của các lãnh
đạo chaeya tương lai.
Sửa đổi hiến pháp và dân chủ, 1969
Sự biến đổi thứ hai diễn ra vào năm 1969 khi DRP, với sự trợ giúp
của KCIA, chuẩn bị một đợt sửa đổi hiến pháp cho phép Park tranh cử