không được với tới. Bây giờ chị đã trút bỏ tang chế, thay bộ mặt mát rượi
mà cao quý của thiên nhiên bằng bộ mặt sắc sảo, tinh anh của thế tục pha
thêm son phấn hảo hạng, tôi vẫn chỉ dám nhìn chị bằng những ao ước, thèm
thuồng tự biết là hão huyền, vô vọng. Nhưng sung sướng biết bao! Tôi vẫn
thường được gần chị để mỗi lúc một khám phá ra những đặc điểm biến
thiên của đôi mắt và nhan sắc ấy dưới ánh sáng - cả bóng tối - khác nhau.
Điều ấy là nhờ việc thành hôn của tôi và Tuý Nguyệt, lý do hợp lý để chị và
tôi không bao giờ xa nhau.
Nhưng dù yêu trọng chị đến mức độ ngu si nào, tôi cũng còn thấy khá
rõ sự thay đổi của chị đã ảnh hưởng nhiều tới dư luận và đôi khi tới tình
cảm riêng tư của tôi. Tôi hỏi chị:
- Nhưng tôi vẫn không hiểu được hết ý chị. Đành là quan lớn thất lộc
cho dù do trời, Phật, thánh, thần không độ lượng với chị đi nữa thì lòng
thương yêu người nghèo khổ, đùm bọc người bất hạnh có gì trái với bản
chất hiền diệu vốn bẩm sinh của chị đâu? Vả chăng sự mất mát ấy chẳng đã
được đền bù sao? Con cái chị khoẻ mạnh. Cậu cả đã về ở với chị, được chị
chăm sóc. Tài sản thì mỗi ngày một tăng gia. Có thể nói ngoài chúa và
người ngoại quốc, xứ Thuận Quảng này còn ai hơn chị. Một người đàn bà
góa trẻ, chủ một tài sản vô vàn như thế, được hết các tầng lớp thương gia
kính nể, không hiểu chị còn trách hận cái gì ở đời?
Chị mỉm cười chua cay, môi dưới hơi trễ ra:
- Đó là theo ý cậu thôi. Vì cho tới nay cậu chỉ có đi tới, hoặc đứng lại
chứ chưa mất cái gì hết. Cậu thấy đời còn quá độ lượng, bao dung với cậu,
chứ tôi nào có khác một phế nhân đâu. Cậu có thấy người què không? Có
hai chân còn chưa đủ bay nhảy với đời, bây giờ lại chỉ còn một chân...
- Nhưng một cái chân mà hàng vạn vạn kẻ hai chân còn kém xa, còn
ao ước.