Một ngày kia, quả nhiên vị trụ trì được biết một điều mà khách đề nghị
“ông sống thì giữ dạ, chết thì mang theo". Khách cho biết ông là tay chân,
là em kết nghĩa mà cũng là người say mê đến điên dại Tống Thị. Họ Tống
là vai trò chủ chốt, là cái tạo nhân duy nhất của biến cố nơi kinh kỳ vừa qua
và đã phải chịu hình phạt thảm khốc. Nhưng nay biến cố đã tan, chúa đã kết
thúc một cách khôn ngoan và nhân đạo vụ án, không còn ai phải đền tội hay
hàm oan. Riêng Tống Thị bị vùi dập một nơi, con cái ly tán, không ai
hương khói! Vì tình nghĩa cũ, khách muốn đưa hài cốt nàng về đây để nhờ
nhà chúa hậu tự cho nàng.
Qua mấy ngày suy nghĩ bạc cả những sợi tóc mới nhú trên đầu và sau
những đêm nhỏ to thuyết phục của vị khách tài trí vượt người đời, trụ trì
cuối cùng phải ép mình nhận lời với điều kiện ngoài ông và khách, không
một người Việt nào được biết chuyện này.
Khách đã tự xoay xở. Ông chỉ dùng vào người thượng vốn là thủ hạ.
Vào một đêm tối mưa gió lạnh như băng giá không ai lai vãng trên đường,
ông cùng kẻ tay chân vác mác cuốc đi tìm mộ Tống Thị chôn một nơi
không xa phủ chúa. Ông cho đào vội vã, lấy di hài nàng, thay vào đó xương
cốt người ăn mày nhặt được bên sông rồi lấp mộ lại như cũ. Nước mưa xối
xả không rửa được mùi hôi thối khủng khiếp của thi hài làm cả những
người thường quen tiếp xúc xác chết súc vật phải nôn ọe. Khách cho rắc xạ
hương lên di hài, rắc thật nhiều, rồi đặt vào một bao tải, bọc bên ngoài một
tấm chiếu hoa buộc lên một cái đòn tre và cả đoàn băng mình qua cánh
đồng mưa gió để lặng lẽ về chùa. Tại đây một cái hòm bằng gỗ tử đàn trải
nhiều lớp lụa trắng tinh đã chuẩn bị sẵn trong ánh nến chập chờn. Khi đoàn
người về tới nơi thì nhân viên trong chùa đã ngủ say, chỉ riêng thầy trụ trì
còn thức đón chờ.
Thi thể đã đổi dạng của Tống Thị được đưa ra khỏi bao tải, chiếu hoa.
Khách tự tay tháo cởi bộ đồ liệm cũ, tự tay dùng nước phép ngân xạ hương
để rửa ráy. Thầy trụ trì cẩn thận buộc một tấm khăn lớn nơi mũi khách để
ông bớt phải ngửi mùi hôi thối lợm đến gan mật quyện trong mùi trầm