Chương I
GIA ĐÌNH CHỊ TỐNG
gười đàn bà đứng trước mặt tôi là chị Hai? Là cô gái mà tôi biết rõ
từng bước đi, dáng đứng, lời ăn tiếng nói, màu sắc, da thịt, cả cái gợn
tinh ranh trong sóng mắt, cách uốn cong đôi mày nũng nịu hay bông
đùa? Tôi biết cả cái nút ruồi ở mang tai trái đã bị có người ngầm đoán nó là
"thương phu trích lệ" rất dễ bị đàn ông ngần ngại kết hôn?
Chị Hai ấy đã chơi đùa, đã bắt tôi há miệng để bỏ vào đó một trái bồ
quân, bắt tôi nhắm mắt để nhét vào túi áo tôi mấy đồng tiền hay đưa hết hai
tay ra sau lưng để nhận lãnh những cái bánh khô chị tự làm có tiếng là
ngon. Hồi ấy, tôi được phụ tá gia sư cho các em chị, con ông cai cơ Tống
Phước Thông. Ông thầy đồ thực thụ họ Đỗ cũng đã dạy cả chị lẫn tôi học
thêm những lúc rảnh rỗi. Chị đã viết được hàng tám (tám dòng trên tờ giấy
nhỏ) chữ đẹp và mon men tập làm thơ.
Chị Hai ấy có phải chị Hai ngày nay đứng trước tôi sau bảy năm xa
cách. Nhưng người ngày xưa chỉ là một bóng dáng mờ nhạt của một thực
tại lớn đã hoàn toàn biến đổi.
Phải. Nếu chị không cười, nhe hết cả hai hàm răng ra cho cuốn môi
trên kéo xếch lên, lộ hết bộ răng hạt lựu đều đặn, bóng ngời, cái khóe cười
duyên dáng chỉ riêng chị có, tôi đâu dám quyết đoán người này chỉ là sức
tăng trưởng kỳ ảo của người kia. Dĩ vãng với dấu ấn nhạt mờ nhờ cái cười
ấy gây cho tôi sự tin tưởng vững chắc bông hoa rực rỡ, có hương sắc làm
chết ngạt hết ong bướm dại dột lượn quanh, chính là người ấy ngày xưa.
Và lạ lùng chưa? Có phải chị Hai là vợ quan Nguyễn Phước Kỳ,
trưởng công tử của Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên, trấn thủ xứ Quảng