- Các cháu à? Hai thằng nhỏ chơi với vú nuôi ngoài kia. Cậu lớn đi dạo
với Ba Lé... Đâu rồi Khổ cho cậu Cả! Con quan trấn thủ mà chỉ thích bắt cá,
bắt dế thôi. Bảo học hành thì như bị đi đày. Chính một phần vì nó mà chị
phải triệu hồi cậu về để lo giúp đỡ việc học hành đấy. Nhưng không phải
chỉ thế đâu. Cậu phải thay thầy đội hầu ở đây để săn sóc sức khỏe quan lớn
và lo quản trị nhà cửa cho chị.
- Ôi! Nhiều việc khó khăn đến thế tôi làm sao cho nổi.
- Còn nữa.
- Gì nữa, chị Hai?
- Cậu phải lo quản trị cả mợ Bằng nữa kia.
Chúng tôi cùng cười. Những ngày vui cũ lại trở lại dưới một hình thức
mới của những người đã lớn tuổi nhưng sự cách biệt thời gian gần như
không có. Chỉ có tăng thêm sắc đẹp và nhất là vẻ duyên dáng của chị Hai.
Vừa lúc ấy, quan trấn thủ về, đi với một ông già hơi quê mùa nhưng
quắc thước, thái độ tự tin. Nhìn hai người, một trẻ, một già, người ta thấy
ngay cái đầu người này phải đổi sang cho người kia mới hợp lý. Vì quan
trấn thủ gầy gò, da trắng, nên càng để lộ thêm vẻ xanh mướt, ẻo lả mỗi một
bước đi như một cố gắng làm ông phải cố giấu nét nhăn nhó. Ông mới trên
ba mươi lăm tuổi, thay cho người cha, nguyên trấn thủ xứ này về chính dinh
nhận chức tối cao năm Tân Mùi (1613), khi chúa Tiên chết, ông noi gương
cha sắp đặt mọi việc trong xứ ngày một hoàn hảo. Người ta ai cũng nghĩ
ông sẽ sống lâu dài kế thừa đại thống khi chúa Sãi qua đời. Nhưng niềm tin
ấy bây giờ có phần lung lay.
Chị Hai chắp tay chào người khách lạ một cách lễ độ. Vị khách cũng
chắp tay trả lễ. Tôi đoán là nhân vật cấp cao ở chính dinh về nên cũng cung
kính cúi đầu. Chị hai bảo nhỏ:
- Khê Lộc Hầu Đào Tướng Công đấy.