không chỉ có đàn ông như trước kia mà còn có cả đàn bà. Họ thực sự bắt tay
vào việc hoạch định đường sá, lập phố xá, mở tiệm buôn. Nhiều nghề mới
lại được du nhập. Gần nơi tôi trú ngụ, có mấy người thợ tàu lấy đồng hay
thau không rõ lấy búa lớn đập lên cho đồng dẹt ra. Tôi tưởng họ làm gì hoá
ra họ đập, cắt, đập, cắt đến khi mảnh đồng còn mỏng hơn tờ giấy mỏng,
thổi một cái là bay. Họ đem những mảnh giấy ấy dán lên tờ giấy trắng, cỡ
nhỏ và lớn. Hoá ra đó là giấy vàng bạc. Khi đốt giấy cháy, phần kim loại chỉ
bị sén. Đối với người mình chưa quen những nghề tinh vi như vậy, thật lấy
làm ngạc nhiên. Những ngành làm sắt, làm thiếc tuy thủ công mà thật kỹ
xảo, hơn hẳn của người Nhật trước kia. Nhất là các món ăn rất nhiều, đủ
mùi, đủ vị. Những cái tên mới lạ cứ ra vào tai người nào thì túi tiền người
ấy cũng đồng thời bị phanh phui.
Thấy một anh chàng gánh đôi thùng nhỏ như hai cái hũ dài, tòng teng
buồn cười, miệng hô lục tàu xá, tôi gọi lại ăn thử cho biết. Mùi vị ngọt dịu,
thơm, lại thêm mấy chút trần bì khô khoái đến tận chân răng. Ăn một lần
còn phải ăn nhiều lần.
Nhà người Tàu đều có thờ Quan Công, thờ ngay trên bàn thờ Phật. Hỏi
mới biết Quan Ngài không phải chỉ thành Thánh mà còn thành Phật. Tôi
đoán thầm họ muốn cho chính họ và con cái họ không quên chữ Trung với
nhà Minh mà họ cho là tiêu biểu đất nước. Thật ra, người Hoa cũng đã mấy
lần bị các triều đại phía bắc như Kim, Nguyên đánh bại. Nhưng không nghe
ông bà bảo là thần dân vua thiên triều chạy ra ngoài nước lánh nạn. Thế mà
lần này, tại sao lại ra ngoài nhiều đến thế. Hình như hết một phần tỉnh
Phước Kiến đổ về đây. Có người luận rằng:
- Trước kia, chưa có Tây dương qua, tiếng tăm nước ngoài chưa vang
dội. Nhưng vào thời Trần Hòa thái giám dẫn 30 tàu xuống phía nam, đi qua
Nam Dương để kêu gọi các vua chúa các địa phương này về hàng nhà Minh
dù chỉ trên danh nghĩa, thì người Hoa biết ngoài đại Trung Hoa, còn rất
nhiều nước có thể đến làm ăn, buôn bán được. Rồi lại thêm các nước Tây
Dương vượt biển rộng sang đổ ra những hàng hóa lạ, thu mua các sản vật