nội địa, danh tiếng nổi lên ùn ùn thì những dân ven biển càng mở rộng kiến
văn. Do thế, lần này họ cứ bỏ nước, không còn sợ là trời đất có chỗ tận
cùng. Càng đi, càng mở ra đất sống. Thái giám Trần Hòa tức là Bổn đầu
công mà người Tàu thờ nơi Cù Lao Chàm, gọi tắt là ông Bổn được xem là
người tiên phong của phong trào biệt xứ này.
Cùng với những sinh hoạt mới mang lại sinh khí mới, tôi thích nhất là
mỗi sáng ra chỗ gần chợ xem một đám người Tàu làm nghề mãi võ mà
đồng bào ta gọi là: "Sơn đông mãi võ" hay "Sơn đông bán thuốc dán". Vòng
trong, vòng ngoài đầy nghẹt người xem. Một anh chàng áo quần sặc sỡ cầm
phóng loa rảo quanh để giữ trật tự và quảng bá. Tiếng phóng loa càng lúc
càng kêu gọi thêm những người buôn bán, người nhàn rỗi từ các nơi khác
tới. Tôi nghĩ nơi này rất thuận lợi để gặp lại bạn bè cũ. Tôi đứng xem những
trò thật ngộ nghĩnh, thú vị nhất là trò đập tấm đá. Một anh võ sĩ nằm ngửa
trên đất, bộ ngực của anh phập phồng lên xuống. Chưa rõ anh sẽ làm gì
trong tư thế nằm ngắm trời xanh thì một anh võ sĩ khác khệ nệ mang lại một
tấm đá, đặt tấm đá lên ngực người võ sĩ đang nằm, anh ba hoa nói lên một
tràng tiếng Hoa chẳng mấy ai hiểu ý gì. Chợt anh chạy lại chỗ đặt binh khí
lấy một cái búa to, hai tay nâng cao, hùng hổ đi lại chỗ người nằm, lại một
tràng tiếng Hoa rồi đột nhiên "đốp", cái búa dội lên tảng đá, dội mạnh vào
tất cả bộ ngực những người hiện diện. Có người rú lên: Chết rồi! Bể ngực
rồi! Nhưng chả thấy ai chết. Còn anh võ sĩ đang nằm, nhẹ nhàng ngồi dậy,
rồi đứng lên, tay cầm hai ly nước, một cái chè đen pha máu để phân biệt ly
kia màu đỏ hồng. Anh làm dấu hiệu cho mọi người hiểu cái ly kia màu máu
tươi của người khoẻ mạnh; cái ly thứ nhất của người bị đánh, bị thương tích
như anh. Anh võ sĩ cầm búa, bỏ chất gì đó vào ly màu máu đỏ bầm, một lát
nó hóa ra hồng tươi. Anh ta giơ chân, múa tay, giảng giải cho mọi người
hiểu là nhờ thuốc của anh, ai bị đã thương, máu bị đông đặc cũng lại tươi
thắm như cũ.
Rồi anh giơ cao những gói thuốc lên. Chính thuốc ấy có tài lọc máu,
cải tử hoàn sinh. Người xem ó ré, hoan hô nhiệt liệt và tranh nhau mua.
Người bán, bán không kịp.