Chợt tôi nghe có tiếng cười rổn rảng rất quen tai. Ồ! Lê Sách đây rồi.
Cố tri đây rồi! Tôi lại nắm lấy đầu Sách và quay lại để thấy cái miệng cười
hô hố biến thành một tiếng ngạc nhiên cao điểm của mừng vui:
- Ôi! Có thật anh Bằng đó không?
Hai chúng tôi dắt tay về nhà trọ. Ở đó, có mấy người lính mọi tôi dẫn
theo phục vụ. Thật sự, từ mấy hôm nay tôi có gặp lại vài ba anh bạn cũ.
Song đều không thân lắm. Tài năng cũng chưa có gì đáng kể. Bây giờ, gặp
Lê Sách tôi có một cảm giác lạ như gặp được điềm lành. Chúng tôi lập tức
cởi trần trùng trục và quây quần bên bàn rượu. Không rõ rượu có ngon
không, nhưng tôi rất khoái, thi cạn chén nhiều lần với Lê Sách. Con gà mái
tơ thịt thơm mềm, xé nhỏ, rau răm muối tiêu. Chừng ấy đủ để cho mấy hũ
rượu vét tận đáy. Kết thúc là mấy bát cháo gà lỏng, nóng bỏng, chúng tôi thi
nhau húp sùm sụp để nhớ lại những đêm nào, thế mà đã lâu lắm, dễ có vài
mươi năm, lúc cùng nhau phục vụ dưới quyền của vị trấn thủ thân yêu .
Chúng tôi, đúng hơn là tôi, tìm cách khêu gợi lại cho Sách đi về dĩ vãng, trở
lại những kỷ niệm thật tốt đẹp. Và chúng tôi cùng cười đến vỡ bụng khi
nhắc lại trận cứu bà trấn thủ, Lê Sách - vì đọc nhiều truyện Tàu, kỹ nhất là
bộ Tam Quốc Chí - đã bắt chước Trương Phi chặt ngọn cây kéo sau đuôi
ngựa để bụi cuốn mịt mù giả làm quân cứu viện cứu Triệu Tử Long và A
đẩu vượt cầu Trường Bản. Đó là “Lê Sách đại náo tháp Bằng An”.
Rồi từ truyện cũ đầy thú vị, tôi đột ngột hỏi Lê Sách:
- Nhưng nếu bây giờ con trai bà trấn thủ gặp đại nạn, Sách có đứng về
phe Ngài không?
Lê Sách vỗ đùi:
- Mẹ cha! Đại trượng phu đã thờ chủ, xả thân không tiếc. Bây giờ con
chủ gặp đại nạn mà không cứu thì còn mặt mũi nào đứng trong trời đất.
Tôi thấy Lê Sách nói như thế, tự nhiên hai chân run run. Tối cố ngăn
chặn những đợt trào trào của phấn khích dâng lên trong lòng sắp đầy nước