Một là số tiền ấy tôi không lấy cho tôi mà đền bù thiệt hại cho cô gái
này. Số tiền là 30 lượng chứ không phải 20 lượng.
Hai là: Hễ từ nay về sau, chủ thuyền này còn làm việc phi pháp nữa,
tôi sẽ trừng trị tới nơi.
Chủ thuyền muốn cò kè một hai, nhưng thấy thái độ quyết liệt của tôi,
chú khách phải tuân lời, cho mang xuống đủ 30 lượng.
Tôi cho người lái lên thuyền. Phải có người dìu, anh ta mới lên nổi.
Đúng là người mắc nạn trông đáng thương.
Sáu Mạnh nãy giờ theo dõi một cách chăm chú mọi hoạt động của tôi.
Anh cũng định đi gọi lực lượng tuần ty tới can thiệp, nhưng thoắt cái, thấy
tôi chụp được người lái thuyền, anh biết sự việc đã giải quyết xong nên cứ
đứng đấy chờ. Anh cho đây là chuyện hy hữu. Vì xưa nay, biết bao cô gái bị
buôn về Tàu, nào có ai đả động gì đâu.
Lê Sách khi nghe chuyện, cười ngặt nghẽo, cho dọn một tiệc rượu sang
trọng mà anh gọi: “Đơn kiếm phá hải tặc” rất hấp dẫn, chẳng khác gì truyện
trong tiểu thuyết Tàu. Anh bảo tôi:
- Tôi thú nhất là đoạn anh uy hiếp Gia Cát Cẩn.
- Gia Cát Cẩn nào?
- Thì Quan Công đơn đao phó hội, biết có việc lôi thôi, Chu Du sẽ giết
mình nên kẹp Gia Cát Cẩn đi theo, tay lăm lăm thanh long đao, đứa nào sấn
vào sẽ biến Cẩn thành con vật hy sinh. Anh cũng “Đơn kiếm phá hải tặc”,
cũng bắt tên lái thuyền - là tể tướng của vương quốc thuyền - làm con tin,
có khác gì đâu.
- Anh nói tôi mới nghĩ ra. Lúc thấy tay lái thuyền, tôi như sực nhớ ra
một điều gì đó, một trường hợp giống hệt của mình, trong một truyện nào
đó... phải hành động như thế là thắng... Tôi chưa kịp nghĩ đó là trường hợp