đơn đao phó hội của Quan Ngài. Nhưng tôi cũng thú thật với anh lúc bấy
giờ sao tôi tự thấy mình oai vệ đến thế. Như một bậc anh hùng thật sự, lăm
lăm thanh kiếm trong tay đi cứu vớt những người bạc mệnh, san bằng
những nỗi bất công trong xã hội. Có lẽ lúc đó mặt tôi cũng đỏ rực như mặt
Quan Ngài. Và tôi biết là mình đang cực kỳ sung sức mà cũng cực kỳ tàn
ác. Kẻ nào lăn vào là tôi chém ngay, không thương xót.
- Hay quá! Anh xứng đáng được uống thêm nửa chai Mai quế lộ. Này!
Anh Hải Bằng. Phải chi có cơ hội hai anh em ta dắt kiếm đi làm hai hiệp sĩ,
xông xáo vào những hang cùng, ngõ hẻm, núi thẳm rừng sâu, lấy lưỡi kiếm
thay cho cường quyền, phục vụ cho công lý để cứu vớt các linh hồn oan ức,
ngắn cổ kêu cứu không thấu trời thì thú biết mấy.
Chúng tôi cùng cười ồ, thi nhau nâng chén, chúc nhau trở thành những
trang kiếm khách kiệt hiệt để cho đời sau có nhà văn sĩ vớ vẩn nào đó ghi
lại sự tích đời mình. Lại uống, lại cười. Cũng trong bữa tiệc, tôi có cơ hội
nhìn kỹ cô gái tôi cứu khỏi tay bọn buôn người. Lúc mới gặp, tôi tưởng cô
chưa tới mười tám. Nhưng nhìn gần, tôi nghĩ cô đã hai mươi hay hơn như
thế. Cô không còn bé bỏng, khờ dại mà có vẻ tinh khôn với nhan sắc xinh
đẹp, phúc hậu. Cô luôn luôn nhìn tôi với đôi mắt đen thẳm, sâu xa, đầy vẻ
biết ơn, tin cậy. Có lẽ đôi mắt này cộng với những chén rượu ngon đã khiến
tôi hưng phấn, nói ra toàn những lời lố bịch. Nhưng tôi thấy cô rất thích
nghe những lời ba hoa, chích choè ấy, miệng há ra như muốn nốt từng lời
của tôi.
Sau bữa rượu vui nhộn ấy, tôi nhớ lại mình phải làm gì đối với cô. Tên
cô gái là Trần Thị Tịnh, thứ sáu nên gọi là cô Sáu. Tôi gọi Tịnh lại, thân
mật và âu yếm như đối với người em gái, bảo:
- Bây giờ Sáu cho biết qua tại sao em lại lâm vào tình trạng này và em
dự tính sẽ làm gì mai đây?
Tịnh kể lại chuyện đời cô: cha chết. Mẹ già yếu, nghèo khổ. Chuyện
xảy ra đơn giản: người môi giới đến bảo một chú khách cần có người giúp