Tôi cho viên thập trưởng chạy ngựa, rảo qua một vòng xem có những
gì đang xảy ra và tìm cách vào sân nhà tôi để quan sát tình hình và dò hỏi
xem những người trong gia đình còn ở đó không.
Thập trưởng đi khá lâu mới trở lại, cho tôi biết là dân chúng tưng
bừng, lớp lớp đang vây nhà bà Tống. Họ hò hét đủ thứ, mắng chửi đủ câu,
đòi hỏi đủ chuyện. Nào phải đốt nhà, phải đổ hết của cải xuống sông, phải
đem bà ta ra cho voi xé. Người đổ về từ phủ Chúa, từ các huyện lân cận. Có
người mang cả cơm đùm, cơm gói theo để quyết sống chết đòi cho được cái
mạng bà ta. Ban đầu là những người lớn. Nhưng hăng hái nhất là một người
còn trẻ mà người ta kêu là Bảy... Bảy gì đó ...
- Bảy Thế.
- Đúng rồi. Bảy Thế! Cậu này hung hăng hơn hết, cầm sẵn cây đuốc
cùng một vài chục trai trẻ khác, hăm hăm chờ quân lính lơ đãng một tí là
tung vào đốt nhà ngay.
- Liệu họ có thể đốt được không?
- Trước sau gì cũng được thôi. Vì nghe đâu chúa không chống lại mà
cũng không cho phép. Chắc chúa không muốn tự tay cho phép nhưng rủi ro
quân lính không giữ được thì cũng không trị tội. Nhiều người đoán như vậy.
Nhưng quân lính thì cũng không muốn về sau sinh sự lôi thôi nên chưa dám
khinh suất.
Tôi hỏi bên nhà tôi, anh thập trưởng cho biết có ít dân chúng tụ tập
nhưng nghe đâu có lá cờ lệnh của phủ Chúa treo ở đó và tờ bá cáo cho biết
nhà này không ai được xâm phạm. Ai xâm phạm phải chịu hình phạt.
Ai đã bảo vệ cho gia đình tôi triệt để đến thế? Tôi chưa cần biết điều
đó, chỉ thấy đó là điều đại phước và tôi muốn biết ngay số phận gia đình.
Nhưng người lính không hiểu gì hơn vì anh thấy trong nhà tối om. Như
thế chắc không còn ai ở đó nữa. Điều ấy làm tôi vừa vui, vừa lo. Bây giờ