đỡ cô quạnh. Chứ cậu mà không lấy vợ thì lại như con chim chẳng biết bay
nhảy thế nào.
Tôi thấy chị nói tha thiết, không cầm lòng được. Bà Thụy Kha bảo:
- Tôi thấy bà lớn thương yêu, lo lắng cho cậu như thế, thật chí tình,
đến chị em ruột chưa chắc đã hơn. Còn về phần Tuý Nguyệt, tôi xem tình ý
nó đối với cậu cũng có phần nặng rồi đó. Đám này không lo cho xong, sau
này cậu sẽ tiếc lắm.
Bà nghiêng tai tôi, nói nhỏ nhưng cũng cốt cho chị Tống nghe:
- Tôi thấy cậu. Tôi cũng thương như con tôi. Chính ông nhà tôi cũng
bảo tôi kiếm cho cậu một chỗ xứng đôi, vừa lứa. Chẳng có đám nào khá
hơn đâu, cậu ạ. Mà thật tình, người ta gả cho cậu là cũng còn nhờ cái bóng
mát quan lớn nhà che cho. Cậu nên nhân cơ hội quan lớn còn sức khoẻ,
nhận lời đi thì bước đường tương lai thanh thản hơn là khi đã muộn màng.
Tôi yên lặng cúi đầu. Hai bà cùng hiểu tôi đã bằng lòng. Các bà đâu có
nghĩ tôi bằng lòng chỉ vì điều kiện rất may mắn: lấy Tuý Nguyệt làm vợ tôi
sẽ ở với chị Tống và tôi sẽ có cơ hội gần gũi chị một cách hợp lý và lâu dài.
Khi bà Thụy Kha đi ra, chị ứa nước mắt bảo tôi:
- Cậu có biết hôm nọ, một võ sĩ thiếu lâm tự viết đoán bệnh viết cho
chị điều gì không? Chắc cậu không đoán ra đâu. Ông ta nói nếu chị không
lo ngay từ bây giờ thì sẽ có việc xảy ra nội trong năm nay thôi. Chị buồn
lắm. Mà biểu lo thì lo những gì! Chị đã đi cầu đảo khắp các đền đài. Chùa
nào, miếu nào, chị cũng đều thân hành tới để kêu, để vái. Cả mấy ông cố
đạo ngoại quốc, chị cũng nhờ giúp đỡ; thầy thuốc có tiếng dù người Tàu,
Nhật, Bồ, Hoà Lan chị cũng đều cậy người đến mời. Có món ăn bổ nào, chị
cũng mua cho kỳ được. Chị nghĩ quan lớn chỉ còn thiếu có gan trời là chưa
đụng tới thôi. Nhưng khí sắc quan lớn thì mỗi ngày một suy kém. Cậu có
thấy không?