thành. Chị làm việc ấy từ nhiều năm. Sáng nay, chị cũng bị sức khoẻ chồng
lừa nên lại đi làm công đức.
Khi tôi về tới cổng thì đã thấy trong nhà có nhiều người vào ra. Chị
Tống gục dưới chân giường chồng khóc lóc thảm thiết. Ba người con bu
quanh mẹ, thấy mẹ khóc, hoảng sợ khóc theo, đứa lớn mới bảy tuổi, đứa
nhỏ hai tuổi. Thật tình, đây là lần đầu tôi thấu hiểu thế nào là mẹ góa, con
côi! Chị còn trẻ đến thế mà đã là quả phụ và tất cả chỉ mới xảy ra sáng nay,
chỉ giờ này!
Vừa thấy tôi, chị như hét lên:
- Quan lớn mất rồi, cậu ơi!
Rồi lại gào thét. Mấy bà lớn xúm lại khuyên giải. Chị đập thình thịch
vào đầu, vào ngực khi người ta mang chị đi sang phòng khác. Lũ con cũng
líu ríu theo níu áo mẹ.
Khi liệm quan lớn, chị mặc đại tang đứng sau các vị sư tụng niệm với
ba người con và vợ ông "Phò mã". Vì gia đình chị ở Phước Yên cả. Bên họ
Nguyễn, chỉ có mấy người bà con xa, làm những chức vụ nhỏ giúp các việc
do quan ký lục đại diện phủ chúa truyền bảo. Trông chị trong bộ đồ đại
tang, vẻ xanh xao, mắt đẫm lệ, nhưng lại như càng đẹp hơn bao giờ. Một vẻ
đẹp thiêng liêng của đau khổ tuyệt điểm tựa hồ một tiềm năng khác của
nhan sắc đột nhiên gặp cơ hội biểu lộ ra ngoài. Vẻ đẹp khác thường chỉ một
đôi lần được trông thấy trong một đời người. Hôm đưa đám tang quan lớn,
có cả một rừng người. Đoàn voi ngựa dưới quyền điều động của phủ chúa
mang bành trắng; quân lính, quan chức đều bịt khăn tang. Lúc hạ huyệt,
người ta phải khó khăn lắm mới ngăn chị khỏi lăn luôn xuống huyệt theo
chồng. Không ai không rơi nước mắt thương xót cho hoàn cảnh thê thảm
"hồng nhan bạc mệnh". Những người nghèo càng thương xót hơn vì biết từ
nay bà trấn thủ hiền dịu ấy không còn ở lại với họ để chia sớt cảnh nghèo
khổ đáng thương không biết ngỏ cùng ai, ngoài chị. Họ đã từng thấy những
bà quan khác, địa vị nhỏ hơn chồng chị, nhan sắc chỉ được liệt vào hạng quê