- Khi nào chú Anh trở lại, cũng nên đề phòng vì tôi thấy trong đôi mắt
chú có cái gì đó làm tôi khiếp lắm.
Nhưng một hôm, quan trấn thủ lại đùng đùng đi vào, mặt hơi tái, thái
độ cực kỳ nóng nảy. Chưa kịp ngồi, ông đã đập tay xuống bàn, nói to:
- Nguy lắm! Chị Cả ơi! Nguy to rồi!
- Có việc gì thế, chú?
- Quan cai cơ, thân phụ chị đã cùng cả gia quyến lên một chiếc thuyền
lớn rồi vượt qua cửa Noãn (Thuận An) để về Thăng Long. Chúa rất phẫn
nộ. Hiện nay đã cho xử tử quan tuần xét cửa Noãn hải (Thuận An) vì tội để
quan cai cơ cùng gia quyến trốn đi. Về phần chị, chị phải lập tức ra chính
dinh điều trần, xin với chúa, chúa thương phần nào may phần ấy. Chứ việc
này thuộc đại sự quốc gia không thể xem thường được.
Chị Tống hoảng hồn, đứng chết lặng người. Giờ lâu mới hỏi:
- Thế tôi phải làm sao bây giờ! Thân tôi góa bụa, con cái thì còn nhỏ
cả. Tôi cũng không hề liên lạc với cha tôi nên chẳng biết mảy may dự định
của ông. Mà tôi cũng không biết tại sao ông lại hành động lạ lùng như thế.
- Có gì đâu. Khi Khánh Mỹ Hầu anh tôi còn sống, ông ấy chắc ngôi
chúa thế nào cũng vào tay anh tôi. Do đó có lẽ ông tỏ thái độ khinh người
này, người nọ, lên mặt ta đây... Thiên hạ cũng nghĩ là địa vị ông ấy phải như
thế nên chẳng nói gì. Đột nhiên anh cả tôi mất sớm, hy vọng làm nhạc phụ
đấng thế tử đổ sụp thì những người bị ông xem khinh, xem thường thay đổi
thái độ. Ông thấy cái thế mình không thể ở lại được nên phải trốn đi thôi.
Chứ chắc cũng chẳng có mưu thần, chước quỷ gì. Nhưng việc một quan cai
cơ dẫn cả gia quyến trốn đi rất quan hệ. Vì những bí mật về nhân, tài, vật,
lực của Nam Hà ông nắm hết trong tay, chúa Trịnh do đó có thể dò biết
được hết tình hình Nam Hà. Việc này tôi nói trọng đại là vì thế. Chị phải kíp
lên đường ngay, không nấn ná được.