hoàn toàn không xác định. Chúng tôi không được có chút quyền hạn gì.
Bọn lính canh có thể đánh nhừ tử hay thậm chí giết chết bất cứ người nào
trong số chúng tôi. Đối với tổ quốc, chúng tôi là những kẻ phản bội, và khi
chúng tôi trở về có lẽ sẽ phải đối diện với một toà án và sẽ bị đày đi làm
việc trong các hầm mỏ ở Siberia. Chúng tôi cảm thấy mình có tội mà không
phạm phải bất cứ tội nào. Chúng tôi sống trong một tình trạng tồi tệ, không
quan tâm tới việc người ta trông chúng tôi như thế nào. Tôi còn nhớ rằng
mình đã ghi lại những dòng nhật ký dưới đây, mà sau này đã bị tiêu hủy:
"Như lũ súc vật thồ, tôi kéo cái ách của mình mà không còn nhớ tới quá
khứ và cũng không còn chút hy vọng vào tương lai.” Không một ai có thể
hiểu nổi cuộc sống như thế. Một số người bị đưa đi, và những tù nhận mới
được gửi tới nhóm chúng tôi để thay thế họ, và qua những người mới đến
chúng tôi biết được những gì đang xảy ra trên thế giới. Đây là một sự thật
đáng ngạc nhiên, nhưng những người sống ở thành phố, dù có thể trạng yếu
hơn, lại chịu đựng cái điều kiện tồi tệ đó tốt hơn những người nông dân.
Vào cuối năm 1944, khi Mặt trận thứ hai được mở và nước Đức phải
chiến đấu trên hai mặt trận, cả phía đông lẫn phía tây, thái độ của binh lính
Đức, những kẻ canh giữ chúng tôi, bắt đầu thay đổi hoàn toàn. Như người
ta vẫn nói, đôi khi ăn đòn làm cho người ta tỉnh ra. Có vài tên lính bắt đầu
tuyên bố một cách thận trọng: "Cả anh lẫn tôi đều là những người tốt. Vậy
sao chúng ta lại phải đánh nhau? Nước Nga có thể bán cho chúng tôi dầu
hỏa và bánh mì, trong khi chúng tôi sẽ sản xuất máy móc cho nước Nga.”
Tôi trả lời với hắn là sự cân nhắc ấy đáng lý phải được thực hiện từ trước
chiến tranh, và hắn buồn rầu đồng ý với tôi.
Tình hình càng ngày càng trở nên đáng báo động hơn. Không quân
Mỹ bắt đầu ném bom những thành phố gần chỗ chúng tôi, và thường phá
hủy các tuyến đường sắt. Chúng tôi bị bắt buộc phải đi sửa lại chúng.
Những tuyên truyền viên tới từ ROA (Quân đội Giải phóng nước Nga) bắt