đường ngang dọc – dài đến đâu. Và thậm chí cả khi viên phi công có ước
đoán chính xác đi nữa, khu vực nhỏ nhất mà anh ta có thể xác định theo hệ
thống này vẫn là một ô vuông mỗi cạnh dài một trăm mét[*]. (Tất cả mọi
điểm trong ô vuông mỗi cạnh một trăm mét ở phía Đông Bắc của toạ độ
691 873 như ví dụ nêu trên được chỉ định bằng chính toạ độ này). Trong
khoảng 50% số phi vụ, Trung tâm Không yểm Trực tiếp có thể báo cho các
phi công FAC biết được đặc điểm mô tả loại mục tiêu đã được xác định
trong ô vuông mỗi cạnh một trăm mét bằng toạ độ. Một vài thuật ngữ mô tả
được sử dụng chính thức như “hầm ngầm”, “cấu trúc quân sự” và “ấp địch”
là để nói đến các mục tiêu đôi khi do máy bay có thể phát hiện được khi
bay trên không, nhưng các cách mô tả khác như “vùng Việt Cộng nghỉ
ngơi”, “nơi nghỉ ngờ là chỗ tập trung quân dịch” và “đường thâm nhập của
địch” phi công lại không thể nhìn thấy được từ trên máy bay, và trong các
trường hợp đó, phi công phải dựa hoàn toàn vào các toạ độ. Một khi phi
công đã tìm được vùng mục tiêu ở trên bản đồ, anh ta sẽ xác định vị trí trên
thực địa bằng cách sử dụng các nét nổi bật của địa hình được thể hiện trên
bản đồ làm điểm chuẩn tham chiếu; tại vùng núi, anh ta sẽ dựa vào các con
sông, đường sá và làng mạc. Sau khi tìm thấy mục tiêu trên mặt đất, anh ta
sẽ dùng điện đàm để chuyển các toạ độ cho máy bay tiêm kích oanh tạc khi
bay đến mục tiêu. Ngay trước khi oanh kích, anh ta sẽ “đánh dấu” mục tiêu
bằng cách bắn xuống một quả rốc két phốt-pho làm vọt lên một đám khói
trắng rất dễ nhìn và gây cháy trên một vùng có đường kính khoảng hai
mươi mét. Dựa vào vệt khói, các máy bay tiêm kích oanh tạc sẽ ném bom
hoặc các thùng na- pan, phóng rốc két hoặc xả súng vào mục tiêu. Trong
lúc đó, máy bay FAC lượn vòng tròn quanh đấy, quan sát cuộc oanh tạc và
dùng bộ đàm thông báo cho các phi công máy bay tiêm kích oanh tạc biết
điểm bị oanh kích còn lệch xa mục tiêu bao nhiêu.
[*] Tức là diện tích 1 héc-ta. (Chú thích của người dịch)
Thông thường có hai hoặc ba máy bay tiêm kích oanh tạc trong một
phi vụ và mỗi máy bay đảo qua hai hoặc ba lần tuỳ thuộc vào loại vũ khí
phi cơ mang theo. Khi oanh tạc xong, phi công FAC sẽ bay trên khu vực
lần nữa để đánh giá thiệt hại rồi báo cáo cho Trung tâm Không yểm Trực