tiếp và cho các phi công tiêm kích oanh tạc. Bản báo cáo đánh giá thiệt hại
này bao gồm tỷ lệ số “bom ném trúng mục tiêu” và tỷ lệ % “mục tiêu bị
phá huỷ”. Phi công cũng sẽ báo cáo khi có bất cứ “cấu trúc quân sự nào bị
phá huỷ”. Khi có bộ binh bạn ở trong khu vực gần mục tiêu, viên chỉ huy ở
mặt đất sẽ dùng bộ đàm thông báo toạ độ vị trí quân của họ cho viên phi
công FAC biết và viên phi công này chuyển tiếp cho các phi công tiêm kích
oanh tạc. Viên phi công FAC cũng sẽ liên lạc với các chỉ huy pháo binh gần
đó để nắm được đường đi của các viên đạn pháo đang bắn lúc đó để cho
anh ta có thể tránh được. Một phi công FAC nói với tôi rằng cứ 20 phi công
FAC thì có một bị giết chết trong năm 1966, nhưng anh ta giải thích rằng
anh ta và đồng đội cảm thấy ít sợ hơn với lính trên mặt đất. Trên máy bay,
anh chẳng biết lúc nào anh bị bắn cho đến khi có một viên đạn đến sát gần
máy bay hoặc thực tế đã bắn trúng máy bay. Và anh ta mô tả viên đạn bay
sát gần gây ra tiếng xoẹt như có ai vừa đóng nắp hộp đựng tàn thuốc ở ghế
sau trên xe hơi. Bản thân các phi công máy bay tiêm kích oanh tạc không
thể xác định được mục tiêu. Một phi công máy bay tiêm kích oanh tạc đóng
tại Đà Nẵng nói với tôi:
- Chúng tôi thường bay nhanh 500 – 600 km/giờ nên không thể nhìn
thấy gì nhiều. Tôi đã bay trên 100 phi vụ và tôi chưa bao giờ nhìn thấy một
xác người hay một con người nào. Thực tế, tôi không thể nhìn thấy một cử
động nào trên mặt đất. Phi công FAC mới thực giỏi. Còn chúng tôi chỉ
chuyên đi ném bom mà thôi.
Vào tháng 8, Lữ đoàn 1 của sư đoàn 101 được biên chế sáu phi công
FAC. Trong cuộc hành quân Malheur I và Malheur II, họ đã bay ra ngoài
Đức Phổ, nhưng vì Lữ đoàn này chuyển dịch ra hướng Bắc để tiến hành hai
cuộc hành quân Hood River và Benton, các phi công FAC cũng chuyển căn
cứ hành quân ra Bắc Chu Lai. Trong khi Lữ đoàn tiến hành cuộc hành
quân, các phi công này luôn luôn duy trì một máy bay trên vùng hành quân
từ sáng tới chiều. Mỗi phi công thường bay theo kíp ba giờ bay mỗi ngày,
mặc dù đôi khi do yêu cầu khẩn cấp, mỗi máy bay có thể làm theo kíp sáu
giờ. Từ ngày 10 đến 21 tháng 8, hầu như ngày nào tô cũng bay với các phi
công biệt phái cho Lữ Đoàn 1 này, cùng ăn ở tại căn cứ của họ.