Nhớ đồng
Tôi chỉ có một cánh đồng để nhớ,
đó là cánh đồng làng Đông.
Quê tôi không có đồng, chỉ có dăm ba thửa ruộng còn lại là sông và
cát. Chỉ đến khi nhà tôi sơ tán lên làng Đông năm 1965, tôi mới thực
sự biết đến cánh đồng.
Cánh đồng làng Đông rất lạ. Ở cái nơi bán sơn địa của miền
Trung, đầu kê núi chân gác cát, lại có một cánh đồng màu mỡ, giống
như một cánh đồng của Nam Bộ còn lưu lại sau cuộc di dời đất và
nước vô tận của Tạo hóa, có bãi tràm và rặng trâm bầu, có mai vàng
và lúa trời, và cá ngập nước và chim đầy trời. Đến khi lớn lên, đọc đi
đọc lại Đất rừng phương Nam, gặp được cụ Đoàn Giỏi, ngồi nói
chuyện với cụ trong quán cóc đường Bà Triệu, tôi kể cho cụ nghe về
cánh đồng quê tôi, cụ trố mắt ngạc nhiên, chép miệng nói đi nói lại lạ
vậy ha, lạ vậy ha.
Đồng làng Đông chỉ là một phần của cánh đồng mênh mông của
bốn xã làng Phù Lưu, trung Thuần, làng Đông và làng Xá. Nó rộng
đến nỗi đi một vòng quanh đồng phải mất trọn một ngày. Ấy là đi
nhanh, nếu thong thả rong chơi cũng phải hết ba ngày. Mặt trời mọc
từ sau rặng trâm bầu kéo dài từ làng Đông đến làng Pháp Kệ và lặn ở
cuối cánh đồng, sau dãy đồi đầy sim và ổi làng Trung Thuần. Thế
giới tuổi thơ tôi là vậy. Giống như mọi đứa trẻ làng Đông khác, thế
giới của tôi chỉ có ngôi làng và cánh đồng, chỉ có vậy thôi mà đi hoài
không hết, sống hoài không chán.
Tôi đã sống trọn vẹn cả tuổi thơ với cánh đồng làng Đông, từ tuổi
lên mười đến tuổi hai mươi, từ thuở con gái con trai cởi truồng nhảy
xuống bờ mương bơi lội tung tăng, đến khi ngắt một bông hoa rau
muống đặt vào tay bạn gái đêm trăng non vàng ửng. Mới đó đã hơn