KÝ ỨC VỤN 2 - Trang 211

ba mươi năm. Hơn ba chục năm xa đồng, mải miết làm ăn không mấy
khi nhớ, đến khi già rồi chẳng còn đi đâu được, lắm khi ngồi một
mình ngoảnh mặt về quê, lúc ấy mới da diết nhớ đồng.

Tôi nhớ màu lúa non xanh mướt, màu lúa chín vàng rộm, màu

rơm rạ hươm vàng và màu trắng phau những đàn cò trên những bờ
mương, những cồn đất. Trong hầu hết các giấc chiêm bao của tôi, dù
là xảy ra ở đâu tôi cũng thấy trời cao xanh ngắt, bình minh rựng
hồng, hoàng hôn chín đỏ, trăng vàng chanh rải khắp cánh đồng, ấy là
màu tuổi thơ tôi được hưởng.

Và mùi nữa, trong các giấc chiêm bao tôi cũng có mùi. Mùi ngọt

thanh sáng sớm, mùi khê cháy buổi trưa, mùi hoi nồng chiều tối. Đến
khi đêm về, hầu như các mùi đều kết tủa hoặc bay tỏa đi đâu mất, chỉ
còn mùi vỏ chanh, mùi bưởi ngây ngất chìm nổi dưới ánh trăng và
bóng cây tình tứ.

Tất nhiên không thể thiếu những âm thanh. Tiếng chim không bao

giờ ngưng nghỉ, rộn lên suốt ngày đêm, cho đến khi cả cánh đồng đã
chìm trong giấc ngủ thì tiếng bìm bịp gọi bầy, tiếng cuốc cuốc gọi
bạn vẫn không hề tắt.

Có một âm thanh rất lạ, có lẽ khắp miền Trung không nơi nào có,

ấy là tiếng cá quẫy. Mùa nước rặc, trong các ruộng lúa đều đầy ắp cá,
mỗi một dấu chân người đều có cá, chúng thi nhau đánh mình lóc
bóc. Vào những buổi chiều yên ắng, khắp cánh đồng nổi lên thứ âm
thanh của bộ gõ bị nhúng nước, ai không quen không thể tin nổi đó là
bản nhạc cá của cánh đồng. Lóc bóc lóc bóc khi thưa thớt gần gần xa
xa, lời thì thầm bí mật của đồng quê. Lóc bóc lóc bóc khi dậy lên
những sóng âm trầm kéo dài miên man, khúc xô-nát đồng quê hạnh
phúc râm ran mùa lúa chín.

Hễ nhớ đồng là nhớ tiếng cá quẫy. Cá làng Đông nhiều lắm,

người ta bảo cơm làng Xá cá làng Đông. Nhiều nhất là cá rô, cá lóc.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.