Đứng trên cống đầu làng thấy chúng nó đi từng đàn đen đặc. Mùa
khô làm hố nhảy, tát bờ mương, một ngày có thể thu về cả tạ cá.
Mùa nước nổi người lớn cất vó, không một lần cất vó nào không có
cả. Chỉ cần cất vó một giờ có cả một rổ cá. Trẻ con vớt ốc, câu tôm.
Ốc bươu làng Đông thơm ngon như ốc bươu Hồ Tây, khi nước về
trắng đồng cũng là khi ốc bươu không rõ từ đâu kéo về nổi lênh
phênh từng đám dọc rìa làng. Trẻ con tung tăng cầm cái rổ đi vớt ốc,
chỉ trong chốc lát là đầy rổ. Vớt cho vui thôi chứ chẳng mấy ai ăn,
tôm cá làng Đông thiếu gì, rồi còn ếch, lươn, cua đồng nữa, nhiều
lắm.
Chim chóc làng Đông cũng rất nhiều, rừng trâm bầu sau làng
giống như sân chim Cà Mau, có vài chục loại chim thường xuyên trú
ngụ nơi đây. Vào mùa trái trâm bầu chín, chim bay về rợp trời, đậu
kín trong các vòm cây trâm bầu. Nếu quăng một mẻ lưới trùm một
khóm cây thể nào cũng bắt được vài trăm con chim sẻ. Chim đậu đầy
rừng trâm bầu, tràn ra cả cánh đồng, chen nhau trong những cây rưới,
cây cừa. Nhớ những buổi trưa chui vào dưới cây nằm nghe chim rủ rỉ
nói những gì rồi thiếp đi, khi tỉnh dậy thấy toàn thân dính đầy phân
chim, vừa tức vừa tức cười. Chuyện có vậy thôi, thế mà bây giờ nhớ
lại chuyện ấy lắm khi không cầm được nước mắt.
Chỉ vậy thôi làm sao khóc? Bởi vì tất cả đã không còn. Tết năm
ngoái tôi trở về làng Đông sau 36 năm phiêu bạt, náo nức được gặp
cánh đồng tuổi thơ bao nhiêu càng sững sờ bấy nhiêu khi trước mắt
tôi tất cả đã không còn. Không còn những đàn cò rợp trắng trời chiều,
chỉ một con thôi cũng không thấy. Không còn những con sáo ngủ trên
lưng trâu, những con quạ ngủ giữa lưng chừng trời, đàn chim sẻ ngủ
trong gốc rưới, cả những con chuồn chuồn vẫn ngủ yên trên bờ rào
cũng không. Rừng trâm bầu sau làng biến đâu mất, những rặng mai
vàng cũng không còn, cả bãi tràm cũng biến mất. Cánh đồng tàn tạ