sợ được, nhưng thấy nó ngồi vào cuộc nhậu như cố ngồi cho bạn bè
khỏi trách, chứ không còn là một nhu cầu, tự nhiên vừa thương nó
vừa chán nó.
Bạn bè già cả rồi, không mệt mỏi cũng ốm yếu, chẳng ra làm sao.
Ngày xưa nhậu nhẹt không có mấy thằng hoạt khẩu thì chưa ra nhậu
nhẹt. Bây giờ bày mâm nhậu, có ai hỏi đã gọi thằng nọ thằng kia
chưa thì thế nào cũng có người nói thôi, gọi làm gì, nó có uống được
nữa đâu.
Viết đến đây bỗng nhớ Hải Kì. Xưa không rượu không thơ không
ra Hải Kì, vui lắm. Hễ anh ngồi vào mâm rượu nào là làm chủ ngay
mâm rượu đó, nói cười ồn ào vui như Tết. Gần chục năm vừa rồi, anh
ngồi im lặng ngắm người ta uống chứ chẳng nói năng gì. Bảo uống thì
giật mình, nói uống đây uống đây, nhấc chén rượu lên là đặt xuống.
Gọi điện khi nào cũng bảo tôi đang bận trông cháu. Gặp nhau, bắt tay
cái, ngồi uống chưa được nửa ly đã vội cáo lui, nói thôi tôi về với
cháu.
Hình như cuộc chơi của tụi mình sắp tàn rồi.
4. Ngày xưa chưa viết đã khoe, viết xong thì chạy khắp làng bắt
mọi người đọc. Ai khen được một câu thì sung sướng lâng lâng suốt
ngày. Bây giờ thằng nào viết cứ viết, có khoe cũng chẳng ai quan
tâm. Có ai hỏi dạo này viết được không, dù đang viết chết xác thì
cũng chỉ cười nhạt, nói ờ cũng đang chút chút. Chẳng phải khiêm tốn,
chỉ vì không còn hào hứng tí gì về nghiệp văn của mình nữa.
Đã đến lúc mình nhận ra nghiệp văn thật nghiệt ngã, cả vạn thằng
bỏ ra cả cuộc đời, đổ mồ hôi sôi nước mắt viết viết viết, tóm lại chỉ
còn lại vài mống. Đó là người ta châm chước cho văn nước chậm
tiến, thật sòng phẳng với thế giới chắc chẳng còn mống nào. Nguyễn
Du hai trăm năm hãy còn người nhớ tới và yêu mến, mình có được
hai chục năm sau khi chết không, chắc không. Nguyễn Trọng Tín nói