Bác Thông gái, mẹ anh Nguyên, chạy ra sau cột đèn, nấp vào bóng
tối đứng khóc một mình, rồi lại lau khô nước mắt vào đám đông nói
cười vui vẻ. Anh Nguyên đứng trên xe nhoài người xuống bắt tay
mình, nói ở nhà học giỏi nghe Lập. Xe chạy, trong tiếng ồn ào tiễn
biệt nhau mình vẫn nghe tiếng anh Nguyên rất to gần như hét, nói ở
nhà học giỏi nghe Lập.
Mặc dù đã ra trường, đã có giấy báo đi bộ đội, anh Nguyên và lứa
học sinh nhập ngũ đầu tiên của nhà trường vẫn cùng thầy trò trong
trường bốc dỡ trường lớp, khuân vác gồng ghềnh đưa trường về nơi
sơ tán an toàn. Lúc này máy bay Mỹ càn nát cả tỉnh Quảng Bình. Xe
cộ chẳng có, mọi cơ quan đoàn thể trong huyện đều sơ tán, cơ quan
nào tự lo cơ quan đó, chẳng ai giúp đỡ ai. Thầy trò đều phải khuân
vác đi bộ cả chục cây số dưới nắng lửa và bom đạn, tự đào hầm dựng
lớp, tự lo lấy cái ăn chỗ ở, vẫn phải đảm bảo an toàn tính mạng tuyệt
đối cho học sinh, phải khai giảng đúng ngày và dạy tốt học tốt. Nói
mấy câu đơn giản vậy chứ cả một trời gian khổ, bây giờ nghĩ lại mới
thấy rùng mình, không hiểu sao thầy trò trường mình lại có thể làm
những chuyện tày trời như vậy.
Trong khoảng 10 năm trong chiến tranh, từ Hướng Phương lên
Bàu Mây, lên Phù Lưu, về Đông Dương, năm nào cũng xây dựng
trường mới, thầy trò tự lo lấy tất tần tật. Năm nào cũng vậy, nghỉ hè
chỉ khoảng hai chục ngày là tựu trường, kéo nhau lên rừng chặt cây
đẵn cột đem về đục đẽo cưa bào dựng lớp, làm hầm, đóng bàn ghế.
Mình biết cưa đục đan tranh lợp nhà là nhờ 3 năm học cấp 3, cả cày
bừa cũng học được từ nhà trường, dân Thị trấn những chuyện này
chưa bao giờ đụng tới.
Nhớ những chuyến lên rừng chặt cây làm nhà. Những cột nhà to
nặng đến thế tụi mình vẫn vác được, chỉ cần nhấc lên được là cứ thế
vác đi bảy tám cây số đường rừng. Con trai ra đến cửa rừng lại phải