quay lại đón con gái. Chẳng ai bắt chuyện đó nhưng mỗi anh thích
một “em”, quay lại gánh vác đỡ cho các “em” là cách tỏ tình hiệu quả
nhất. Lắm anh tham, thích đến hai ba “em”, chạy đi chạy lại hai ba
chuyến đón các “em”, mệt bở hơi tai nảy đom đóm vẫn không dám
bỏ “em” nào.
Cái thứ tình con nít ranh, thích thế thôi chứ được xơ múi gì đâu,
có cho cũng chẳng dám. Nhưng doping tình loại này không gì sánh
được. Anh thanh niên choai “chưa dập bọng cứt” vác cột đi trước, em
thiếu nữ “chíp hôi” chạy theo sau, nói mệt không mệt không, nghỉ đi
nghỉ đi. Lắm khi mệt quá muốn quỵ, nghe em hỏi sức trai bỗng trỗi
dậy, vác cột đi băng băng, cười hề hề, nói có chi mô có chi mô.
Trường lớp hồi bấy giờ là những cái nhà hầm nửa chìm nửa nổi,
vách tường ken dày những dãy cột to, thông với những cái hầm kiên
cố như hầm tướng Đờ Cát, toàn là sức của đám thanh niên choai
dựng nên cả. Không hiểu sao ngày xưa tụi mình khỏe thế, nhớ lại thật
tự hào, niềm tự hào ứa nước mắt.
Ngày nay dưới 20 vẫn được coi là con nít, chưa rời được vòng tay
bố mẹ. Ngày xưa đến tuổi 15 được coi là thanh niên. Mình được kết
nạp vào Đoàn năm 15 tuổi khi vừa học xong lớp 7. Vào Đoàn được
thì làm việc gì chẳng được. Lên lớp 8, mười sáu tuổi đầu là rời khỏi
vòng tay bố mẹ, tự mang bị gạo, ôm sách vở đến trường, trú ở đấy
đến cuối tuần mới quay về nhà lấy gạo, chẳng bao giờ có chuyện bố
mẹ chở đến trường lớp như bây giờ. Cái thời đói kém, đứa nào khá
được nhà phát cho chục lon gạo một tuần, đa phần đều bảy lon khoai
hai lon gạo. Mình nhớ con đường từ làng Pháp Kệ lên làng Đông
Dương chiều chủ nhật từ nhà về trường, từng tốp hàng chục đứa học
trò vai khoác bịch khoai khô, tay xách túi gạo nhỏ vừa đi vừa nghêu
ngao hát nhại theo nhạc hiệu sáu giờ: “Từng ni gạo, từng ni gạo, từng
ni gạo... ăn răng cho đủ một tuần...” Hi hi.