Ăn uống đói kém, lao động sản xuất tối ngày thế mà học vẫn giỏi.
Năm nào tỉ lệ tốt nghiệp cũng cao nhất tỉnh, nhiều năm tỉ lệ tốt
nghiệp được xếp một trong mười trường cao nhất miền Bắc. Nên nhớ
ngày xưa học thật thi thật chứ không phải thứ tỉ lệ tốt nghiệp 100%
như bây giờ. Mình kể chuyện này cho tụi bạn ở Hà Nội, chúng nó chả
tin, nói ở cái nơi sống được còn khó, học giỏi là học thế nào. Là học
thế này: Mỗi lớp chỉ có một bộ sách giáo khoa, đa phần chỉ nghe
giảng suông, ghi được chữ gì thì học chữ đấy. Tối về thắp đèn dầu hạt
đỗ nằm tùm hum trong hầm làm bài tập, khói đèn dầu luynh đen sì cả
hai lỗ mũi. Không có giấy, phải lấy giấy cũ ngâm vôi cho mất chữ đi
để viết, phải thay nhau đi tìm mỏ đất trắng làm phấn cho thầy cô, còn
chế tạo cả phấn màu viết vẽ rất đẹp.
Thời đó chỉ có ba ước mơ, một là mơ không chết bom, hai là mơ
học giỏi, ba là mơ đi bộ đội. Chỉ có ba ước mơ ấy thôi, không có ước
mơ thứ tư. Được học càng tốt, được đi bộ đội càng tốt hơn. Anh
Thắng mình tốt nghiệp lớp mười, có giấy tuyển thẳng đi học nước
ngoài nhưng không đi, anh viết đơn bằng máu đòi đi bộ đội cho bằng
được. Anh Tường mình học hết lớp 8 năm 1969, đến ngày khai giảng
vào lớp 9 thì nghe tin Bác Hồ mất, anh bỏ học ngay tức thì, viết đơn
xin đi bộ đội. Người ta khuyên anh nên ở lại học, nhà đã có hai người
đi bộ đội rồi nhưng anh không chịu, nói Bác mất rồi, học mần chi, ẻ
vô! Hi hi.
Ngày nhập ngũ, anh giấu mạ mình, chỉ mật báo cho mình thôi.
Mình chạy tắt qua trảng cát rộng về Quảng Long vừa đúng lúc xe chở
anh bắt đầu chuyển bánh. Mình chạy đuổi theo xe, anh đứng trên xe
vẫy vẫy, nói ở nhà học giỏi nghe Lập.
Ba năm sau mình học hết lớp 8 lại tiễn bạn bè cùng lớp lên đường.
Thằng Sơn, Thằng Học, thằng Dũng, thằng Phú, thằng Tạo... những