trường khác cứ nhìn tụi mình mắt tròn mắt dẹt. Có thằng vờ đến trễ
hẹn với người yêu (cũng là dân đại học trường khác) chạy bộ đến thở
hổn hển, nói anh xin lỗi chiều nay anh làm việc với máy điện toán,
gặp mấy cái lỗi phải xử lý... Hi hi, xử lý cái mốc xơ, được các thầy
cho vào sờ mó ngắm nghía đã phúc lắm rồi.
Thế mà chỉ không đầy chục năm sau, những năm tám mươi, máy
tính (cái máy điện toán ấy) đã tràn ngập thị trường, chúng nhỏ hơn
bàn tay, ai ai cũng dùng được, trẻ con học lớp một đã dùng được rồi,
thật quá ngạc nhiên. Thời mình học, bóng đèn điện tử cái nào cái nấy
to bằng ngón chân cái, bây giờ người ta xử lý bằng mạch vi, cả một
thế giới điện tử bỗng nhiên thu nhỏ cả trăm lần, nghìn lần, trăm nghìn
lần. Đến lúc này những thứ mình được học cách đó ít lâu bỗng quá
lỗi thời. Thật không thể tin nổi.
Đến những năm 1988-1989, máy vi tính đổ bộ vào Việt Nam, lúc
đầu dè dặt dăm bảy bộ, dăm bảy chục bộ, chỉ những cơ quan sang
trọng, quan trọng mới có máy vi tính, đa số dân như tụi mình thì máy
vi tính như là chuyện trên trời, ai ngó được cái máy tính thì khoe
khắp làng, giống bác Lê Lựu được đi Mỹ một lần, về nước đi nói
chuyện cả trăm buổi, hi hi.
Có thằng bạn học cùng k20 vô tuyến được đi tham quan máy vi
tính, nó kéo mình ra quán nước, mặt mày nghiêm trọng, thì thào kể
chuyện nó được mục sở thị giàn vi tính thế nào. Nó bảo máy vi tính
đặt một phòng riêng gạch men sáng bóng, sạch sẽ tinh tươm, có điều
hòa nhiệt độ. Phòng bộ trưởng có thể không có điều hòa nhưng máy
vi tính thì dứt khoát phải có. Người làm việc ở phòng vi tính phải
mặc áo blu như ở phòng thí nghiệm vậy. Khách vào tham quan phải
cởi giày dép để ngoài, đi tất nilon đã diệt trùng, đi nhẹ nói khẽ, ông
nào lỡ ho một tiếng ai nhìn ông này như nhìn kẻ quê mùa mọi rị.
Người phụ trách phòng vi tính xuỵt khẽ, nói vào đây cấm không được