bằng phẳng, bị sông Đồng Nai xẻ ra làm hai. Phủ trên các
đá trầm tích là lớp đá phun trào bazan dày, có nơi tạo thành
dạng "mặt bàn" khá bằng phẳng. Tại vùng ven rìa, lớp phủ
bazan mỏng đi, để lộ ra đá hoa cương, đá kết tinh tạo thành
những đỉnh núi cao vượt trội.
Đá bazan phong hóa thành đất đỏ tơi xốp, tuy không
màu mỡ bằng đất đỏ vùng Buôn Ma Thuột, nhưng cũng rất
thuận lợi để trồng cây công nghiệp như cà phê, chè, cao
su, hạt điều...
"Trường Sơn Nam"
Trở lại với tên gọi "Trường Sơn Nam". Nhà địa lí Lê Bá
Thảo muốn gọi phần núi non này là "Gờ núi Trường Sơn
Nam" vì nó tiếp tục dãy Trường Sơn ở phía Bắc, nhưng chỉ
còn là một "gờ núi" uốn cong ốp quanh vùng cao nguyên
xếp tầng Tây Nguyên.
Trường Sơn Nam cũng lại chia thành hai "đoạn".
Phần phía bắc kéo dài từ tỉnh Quảng Nam đến Bình
Định. Bắt đầu là miền đồi núi chỉ cao tầm 500 - 800 m
thuộc khu vực sông Bung, được cấu tạo bởi đá phiến, cát
kết... Tại đây cũng nổi lên những ngọn núi cao vượt trội như
đỉnh núi Bà Nà cao 1.489 m, là một điểm du lịch và nghỉ
mát nổi tiếng gần Đà Nẵng, đỉnh A Tuất cao 2.500 m nằm
sát biên giới với Lào. Cả hai ngọn núi này đều cấu tạo bởi
đá hoa cương rắn chắc.