– Mẹ chỉ thương con còn nhỏ quá…
Mặt Hoài Văn tái đi:
– Con không còn nhỏ nữa. Con đã biết nghĩ rồi.
– Trong tay con không có khí giới, người nhà bất quá vài chục tên, con đi
đánh giặc bằng gì?
Giọng nói của Hoài Văn trở nên rắn rỏi:
– Mẹ giúp con thì việc lớn sẽ thành. Mẹ ơi! Giáp trụ của cha con đâu?
Binh thư của cha con đâu?
Mắt người mẹ hoa lên. Phu nhân mím miệng khẽ lắc đầu rồi lại gật đầu.
Phu nhân chỉ thấy lấp loáng cái bóng mảnh khảnh của con trai chạy ra
ngoài sân và nhảy lên lầu của đức ông mà mười hai năm nay, phu nhân vẫn
khoá kín.
Phu nhân cho gọi người tướng già vẫn theo đức ông đi trận mạc ngày
xưa, và hỏi:
– Nay Hoài Văn Hầu muốn khởi binh đi đánh giặc. Ta sợ con ta còn trẻ.
Ông nghĩ thế nào?
Người tướng già thưa:
– Vương tử có chí lớn, thật xứng đáng là con một bậc hổ tướng.
– Khi sinh ra nó, đức ông chỉ cầu trời khấn phật cho nó trở nên một
người văn võ toàn tài. Văn thì ta dạy, ta biết sức con ta, nhưng võ của nó thì
sao?
– Vương tử rất chăm học võ, múa gươm đã khá nhanh, giương cung đã
khá mạnh, phi ngựa thì không biết mỏi.